Từ đầu vụ mía đường 2009-2010 đến nay, các nhà máy đường tại miền Trung và Tây Nguyên liên tục tăng giá thu mua mía. Nóng bỏng là cuộc tranh giành thu mua nguyên liệu mía giữa Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đóng tại Phú Yên (KCP), trong lúc giá đường liên tục leo thang trên thị trường…
Ách xe ra, bỏ qua xe vào
Huyện Đồng Xuân (Phú Yên) là “sân nhà” của KCP, nhưng vẫn còn không ít hộ dân nằm ngoài danh sách đầu tư trồng mía theo chủ trương của địa phương. Tư thương và cả hai công ty đường liên tục đẩy giá mía lên cao, giá bán cho BISUCO luôn cao hơn của KCP từ 10.000 - 20.000 đồng/tấn mía.
Trước tình trạng mía liên tục “chảy” về Bình Định, một lực lượng của địa phương bao gồm thanh tra giao thông (TTGT), cảnh sát giao thông (CSGT), công an xã, công an viên… thường xuyên có mặt trên các tuyến đường để “hỏi thăm” các xe chở mía.
Chiều ngày 9-3, trên tuyến đường từ huyện Đồng Xuân về huyện Vân Canh (Bình Định), thuộc địa phận thôn Soi Nga (xã Xuân Lãnh), tổ tuần tra CSGT đi trên xe 78B-0937 cùng một xe khác của TTGT đã chặn xe và yêu cầu kiểm tra hành chính đối với xe chở mía 81K-6166.
Nhiều người dân địa phương đã la ó, phản đối vì lực lượng tuần tra không kiểm tra những xe chở mía vào (Phú Yên) mà chỉ kiểm tra những xe chở ra Bình Định. Bất chấp sự tường trình, giải bày của tài xế và chủ mía, Thượng úy Nguyễn Văn T.- CSGT Công an tỉnh Phú Yên- vẫn hăm: “Phải giữ xe và bằng lái vì hôm trước đã làm giấy cam kết rồi”.
Bà Dương Thị Kim Loan (quê ở thôn 4, xã An Thành, huyện Đăk Bơ, Gia Lai) - chủ mía trên xe 81K-6166, cho biết: “Ngày 8-3, tổ tuần tra gồm CSGT và TTGT tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và phạt 6 xe chở mía của tôi vì các lỗi quá khổ, quá tải, lốp xe không an toàn… mỗi xe 750.000 đồng. Tổ tuần tra cũng yêu cầu tôi viết một bản cam kết không được chở mía ra Bình Định nếu tái phạm sẽ bị giữ xe (?)”.
Cũng trong ngày 9-3, một chủ mía tên Nguyễn Văn Thanh (An Khê, Gia Lai) cũng bị “liên quân” gồm nhân viên KCP, CSGT, công an xã… ách 4 xe mía tại xã Xuân Quang (huyện Đồng Xuân). Anh Thanh cho biết: “Tôi vừa chất mía lên xe định chở đi bán cho BISUCO thì có một nhóm người đến yêu cầu tôi phải bán mía cho KCP, nếu chở ra Bình Định sẽ bị CSGT lập biên bản phạt và giam bằng vì lỗi quá khổ, quá tải…”.
Ai được và làm khó ai
Theo tìm hiểu của chúng tôi, BISUCO không trực tiếp thu mua mía tại Đồng Xuân mà chủ yếu thông qua một đầu nậu là bà Dương Thị Kim Loan, người dân địa phương thường gọi là cô Năm. Trước vụ trồng mía, bà Loan đã cho nông dân ứng tiền để sản xuất và cuối vụ lại thu mua mía. Khác với KCP, số tiền bà Loan cho nông dân mượn không tính lãi và không cần những thủ tục, giấy tờ rườm rà, mà khi cần thì sẽ làm giấy cam kết để nhận tiền ngay, nên được nhiều người ủng hộ. Theo bà Loan, số tiền mà bà bỏ ra “đầu tư” tại Đồng Xuân trong vụ mía năm nay cũng trên dưới 1 tỷ đồng.
Tại sao nông dân Đồng Xuân và thương lái chỉ thích bán mía cho BISUCO hơn là KCP? Anh Võ Văn Sỹ, ở thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh, cho biết: “Giá thu mua của KCP không những thấp hơn giá của BISUCO mà còn “ép” người bán trong việc trừ tạp chất. Nếu bán cho các thương lái, chúng tôi chỉ bị trừ tạp chất từ 1%-2%, tức là 1 tấn mía chỉ mất 20kg; còn bán cho KCP sẽ bị trừ tạp chất đến 5%-6%, 1 tấn mía mất đến 50-60kg. Hơn nữa, hiện nay giá thu mua của KCP chỉ khoảng 730.000 đồng/tấn mía cây thì thương lái thu mua đến 750.000 đồng/tấn. Nếu bán 1 xe mía 20 tấn cho KCP thì phải chịu thiệt gần 1 triệu đồng”.
Lý giải việc công an xã, công an viên đi vận động, hỏi thăm và mời những người có ý định bán mía cho BISUCO về trụ sở làm việc, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, Trịnh Minh Thái, cho biết: “Từ khi KCP về đầu tư vùng nguyên liệu, nghề trồng mía đã ổn định, đời sống của người nông dân ổn định hơn. Phía KCP cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng cầu đường, các công trình công cộng trong xã… Nhưng khi KCP đưa ra mức giá thu mua thì các thương lái lại đẩy giá lên cao hơn nên nông dân chỉ biết chạy theo giá cả. Hơn nữa, thương lái mua mía thường trả tiền ngay cho nông dân nên người ta rất thích… Không còn cách nào khác, chúng tôi chỉ biết đi vận động cho nông dân hiểu được lợi ích trước mắt và lâu dài”.
Việc chính quyền địa phương hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thu mua mía của nhà máy đường đóng trên địa bàn mình là cần thiết. Nhưng làm theo kiểu ngăn sông, cấm chợ mà không chú ý đến cạnh tranh giá cả, ưu đãi người bán… thì nông dân trồng mía bị thiệt thòi là điều đã thấy rõ.
HOÀNG TRỌNG