Vay tiền bằng... điện thoại

Ngoài những trang web làm ăn đàng hoàng thì sẽ khó tránh khỏi việc xuất hiện các website cho vay trá hình, cho vay “cắt cổ”, đẩy người vay đến tình cảnh mất khả năng trả nợ.
Vay tiền bằng... điện thoại
Sự phát triển của công nghệ số đã mang lại nhiều loại hình dịch vụ mới, thuận tiện hơn cho người dân. Trong đó, mô hình cho vay tiền online đã ra đời, thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, mô hình này tại Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ hành lang pháp lý nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nở rộ cho vay trực tuyến

Hiện nay, hình thức vay tiêu dùng qua online ngày càng được nhiều người sử dụng, do rất tiện lợi vì quá trình làm thủ tục và giao dịch đều thực hiện trực tuyến.
Tìm hiểu từ các website cho vay tại Việt Nam (như: tima.vn, doctordong.vn, huydong.com, canvaytien.info…) cho thấy, chỉ cần tải phần mềm ứng dụng (app) của trang web cho vay về điện thoại, đăng ký tài khoản thông qua app này, sau đó hoàn tất hồ sơ vay trực tuyến bao gồm: chụp hình chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe, hay quay đoạn phim xác thực thông tin cá nhân và cung cấp một tài khoản ở bất kỳ ngân hàng nào.
Sau khi nhận được hồ sơ, nhân viên tư vấn sẽ mang hợp đồng đến để ký và trong vòng 24 giờ, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng mà người vay đã cung cấp. Hình thức trả góp hàng tháng cũng khá đơn giản. Đến hạn trả, người vay sẽ được báo trên app và chuyển khoản đến tài khoản riêng của các trang web này.  Hạn mức vay trên các trang web này ở mức từ 1 triệu - 200 triệu đồng, thời hạn cho vay từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được công bố trên các trang web cho vay ở mức 16% - 25%/năm. Tuy nhiên, khách hàng phải trả thêm các loại phí liên quan khác như phí thẩm định hồ sơ, phí vay lần đầu tiên, phí trả chậm… Do đó, cộng tất cả các phí liên quan thì lãi suất phổ biến từ 30% - 35%/năm. 
Đại diện một trang web cho vay và huy động trực tuyến cho biết, công ty này ứng dụng công nghệ thẩm định tín dụng với các thuật toán phân tích dữ liệu lớn (big data) đối với các thông tin khách hàng vay, để có thể đưa ra quyết định giải ngân ngay trong ngày. Hệ thống vận hành của trang web này có thể phân tích xử lý được vài ngàn đơn vay/ngày.
“Theo con số từ Ngân hàng Thế giới, ở Việt Nam có hơn 70% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết những người này không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhưng có nhu cầu rất lớn về vay tiền, đặc biệt là vay tiêu dùng. Mô hình công nghệ cho vay ngang hàng này sẽ xóa bỏ các rào cản, tâm lý e ngại cho những người muốn vay vốn nhanh”, vị đại diện này cho hay.
Cụ thể, trên website tietkiemonline.vn, mức lãi vay chỉ từ 8% - 16%/năm. Có nghĩa là nếu vay 10 triệu đồng, lãi trả hàng năm là 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài lãi suất, khách hàng còn phải trả phí vay lần đầu tiên 8%/năm (tức trả thêm 800.000 đồng nữa, tương đương phải trả lãi 2,4 triệu đồng/năm); khi quá hạn trả nợ, khách hàng sẽ bị phạt phí rất cao - ở mức từ 1,5 triệu - 6 triệu đồng, tùy vào thời gian trễ hạn - và thêm vài phí liên quan khác.
Trên website huydong.com, ngoài cho vay tiêu dùng thì doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ cũng có thể vay từ 50 triệu - 200 triệu đồng bằng tín chấp. Lãi suất cho vay từ 10% - 25%/năm. Với mức vay 50 triệu đồng trong 1 năm, người vay phải trả 4.512.916 đồng/tháng (bao gồm nợ gốc, tiền lãi suất và phí giao dịch). Ngoài ra, người vay còn phải trả thêm mức phí từ 1% - 5% trên tổng số tiền được vay, và nếu trễ hạn, khách hàng sẽ bị tính phí trả trễ, số tiền nợ gốc phải tăng thêm 50% tính từ ngày quá hạn, nhân với lãi suất đã quy định…

Khi được hỏi nếu người vay chây ỳ và mất khả năng thanh toán thì xử lý thế nào? Nhân viên tư vấn của tietkiemonline.vn cho biết: “Các khách hàng cố tình không trả tiền đúng hạn sẽ bị chúng tôi kiện ra tòa và họ có thể phải chịu phạt ít nhất là 30 triệu đồng. Ngoài ra, nếu phát sinh thêm bất cứ chi phí pháp lý nào thì khách hàng đều phải trả”.

Hệ lụy 

Theo các chuyên gia trong ngành, đây là mô hình kết nối đầu tư ngang hàng (Peer to Peer - P2P) đã phổ biến trên thế giới từ rất lâu, đưa ra một cách thức vay và huy động mới bên cạnh các kênh truyền thống. Nói một cách dễ hiểu là các công ty này sử dụng hệ thống công nghệ để kết nối trực tiếp người cần vốn và người dư vốn với nhau, mà không cần qua các ngân hàng. Quá trình giao dịch đều thực hiện trực tuyến và tín chấp nên tiện lợi, nhanh chóng hơn so với các phương thức truyền thống.

Đa số trên các trang web cho vay đều có ghi thông tin hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh của các sở kế hoạch - đầu tư. Chưa biết tính xác thực của những giấy phép này, nhưng trên thực tế đã có hàng triệu giao dịch thành công.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, cho biết: Để được thực hiện các hoạt động về nghiệp vụ ngân hàng như huy động, cho vay, kể cả hình thức huy động và cho vay trực tuyến, các DN cần phải được NHNN cấp giấy phép. Tất cả những DN hoạt động cho vay và huy động vốn, nếu chưa được NHNN cấp phép, đều là không hợp pháp. 

Thực tế cho thấy, mô hình cho vay P2P nở rộ tại Việt Nam thời gian gần đây mang lại nhiều tiện ích và đáp ứng nhu cầu vay của nhiều người. Đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, các DN vừa và nhỏ, được tiếp cận một hình thức dịch vụ tài chính nhanh gọn, linh hoạt và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi tính pháp lý của mô hình này tại Việt Nam chưa có, thì hình thức vay và đầu tư này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Ngoài những trang web làm ăn đàng hoàng thì sẽ khó tránh khỏi việc xuất hiện các website cho vay trá hình, cho vay “cắt cổ”, đẩy người vay đến tình cảnh mất khả năng trả nợ.
Hơn nữa, không chỉ cho vay, các trang web này còn có hình thức huy động vốn với mức lãi suất cao hơn ngân hàng rất nhiều lần, có thể lên đến 25% - 30%/năm.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN cần nhanh chóng có những biện pháp quản lý để hạn chế rủi ro cho các bên tham gia, vì hình thức huy động vốn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo khi chủ sàn ôm tiền bỏ trốn; đồng thời sớm ban hành các quy định pháp luật, nhằm đảm bảo cho hoạt động tiện dụng này phát triển lành mạnh.

Tin cùng chuyên mục