Chính công chứng viên cũng thấy khó trả lời khi bị khách hàng vay vốn chất vấn, tại sao có hồ sơ công chứng được, có hồ sơ không trong khi tài sản thế chấp vẫn là quyền sử dụng đất như nhau?
Vấn đề này không phải người làm công tác công chứng cửa quyền, hách dịch ở cửa công quyền “chứng cũng được mà không chứng cũng được”. Vấn đề vướng ở đây là do luật định đối với đối tượng “hộ gia đình và đồng sở hữu”, đâu phải ai cũng biết được từ ngữ pháp lý mang tính chất ràng buộc như vậy, người được cấp sổ đỏ thấy có tên mình trong đó là mừng rồi, chớ đâu ngờ phải có đủ điều kiện (các thành viên trong hộ, các thành viên đồng sở hữu) thì công chứng viên mới thực hiện được hành vi công chứng, mặc dù giấy tờ sử dụng và sở hữu tài sản chính mình đứng tên nhưng do sổ đỏ cấp ghi dư chữ “Hộ” nên khi hợp đồng, giao dịch phải đáp ứng đủ điều kiện của “Hộ”.
Công chứng viên không thể lách luật được và cũng không vận dụng, vì các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động công chứng không nhiều và việc thực hiện hành vi công chứng chỉ thực hiện đúng một cấp, không có công chứng cấp trên “phúc thẩm, tái thẩm” và người thực hiện hành vi công chứng phải chịu trách nhiệm cá nhân về xử lý hành chính và trách nhiệm dân sự nếu thực hiện hành vi công chứng không đúng quy định pháp luật, phải nói đây là nỗi khổ từ hai phía:
– Người dân khổ là do quy định của pháp luật còn quá rườm rà, có tài sản sở hữu hợp pháp nhưng giao dịch không được vì còn thiếu thủ tục như: Không có giấy ủy quyền của những người có tên trong hộ (Điều 107 Bộ luật Dân sự), phải có sự đồng ý của những thành viên trong hộ đủ từ 15 tuổi trở lên (Điều 109 Bộ luật Dân sự)… Nếu đáp ứng đủ thủ tục quy định thì không có mấy người được tham gia giao dịch ở các ngân hàng, nhất là những ngày giáp Tết Nguyên đán người kinh doanh, mua bán rất cần vốn, trong lúc ngân hàng cần cho vay, người có đủ tài sản thế chấp nhưng không vay được vì không đáp ứng đủ điều kiện luật định, còn nếu xé rào thì hậu quả sẽ lãnh đủ.
– Công chứng khổ vì hành dân theo luật, buộc người yêu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch dân sự tùy theo loại tài sản phải cung cấp, nào là giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận độc thân, giấy chứng tử, giấy chứng minh nhân dân..., đây chỉ mới là những loại giấy tờ phụ chưa tính giấy tờ chính.
Trong lúc các loại giấy tờ cấp chủ quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, mỗi tỉnh, thành phố làm một kiểu, nào là sổ đỏ, sổ hồng, sổ trắng, có sổ thì ghi cả đất lẫn nhà, có sổ thì ghi nhà riêng, đất riêng, sổ ghi cấp cho hộ, sổ ghi cấp cho ông bà, sổ ghi cấp cho cá nhân… Hợp đồng, giao dịch khiến dân khổ vì hồ sơ giấy tờ còn quá rườm rà, công chứng khổ vì phải áp dụng theo luật định, ngân hàng khổ vì công chứng không chứng hợp đồng, trong nền kinh tế hội nhập mà vướng thế này thì rất khó đi lên được.
BÙI TRỌNG TÂM