Về chủ trương bỏ thi cao đẳng: Nên để các trường tự quyết thi hoặc xét tuyển

Thi tốt nghiệp THPT năm 2009  Huy động 12.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ làm thanh tra ủy quyền

Hôm nay, 5-12 là thời hạn cuối cùng để các trường cao đẳng bày tỏ ý kiến của mình trước chủ trương bỏ kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi đại học của thí sinh theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. PV Báo SGGP lược ghi ý kiến của một số trường cao đẳng đã có góp ý gửi về Bộ GD-ĐT.
 

  • Ông HUỲNH CÔNG TRÍ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may thời trang TPHCM:
     Phải có giải pháp khả thi để tránh những hồ sơ xét tuyển "ảo"

Trường nhất trí với chủ trương bỏ thi cao đẳng của bộ bởi phương án này tiết kiệm chi phí cho thí sinh và nhà nước, đồng thời mở rộng cánh cửa nghề nghiệp cho tất cả thí sinh. Tuy nhiên, trường vẫn còn một số băn khoăn và kiến nghị: trong năm 2009, bộ tiếp tục cho phép các trường cao đẳng lựa chọn hình thức tổ chức thi hoặc xét tuyển.

Để chuẩn bị cho tất cả các trường xét tuyển vào những năm học sau, bộ cần phải giải quyết một số vấn đề như: giải pháp khả thi để tránh những hồ sơ xét tuyển "ảo"; dự thảo tiêu chí và thời gian xét tuyển cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và sự công bằng cho thí sinh và các trường xét tuyển. Có biện pháp đảm bảo tất cả các trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, tránh trường hợp trường có quá nhiều thí sinh đăng ký, trường lại ít thí sinh, dẫn đến việc vét cho đủ chỉ tiêu, không đảm bảo chất lượng đầu vào.
 

  • Ông TRẦN ĐẮC LẠC, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa:
     Phải yêu cầu các trường ĐH tổ chức thi không được hạ điểm xét tuyển
     

Trường ủng hộ chủ trương của đổi mới tuyển sinh, bỏ kỳ thi cao đẳng của Bộ GD-ĐT, ngoài việc nâng chất lượng tuyển chọn đầu vào còn giảm bớt chi phí phục vụ công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm trên, việc xét tuyển từ kết quả thi đại học cũng còn nhiều khó khăn. Cụ thể như một số trường đại học gửi giấy chứng nhận kết quả thi (để xét nguyện vọng) không đến được tay thí sinh, một số trường chỉ gửi giấy gọi nhập học bậc thấp hơn (cao đẳng, TCCN) trong trường thay vì gửi giấy chứng nhận kết quả thi.

Ngoài ra, vẫn có các trường đại học hạ điểm chuẩn tuyển sinh gây khó khăn cho các trường xét tuyển. Vì vậy, nhà trường kiến nghị Bộ GD-ĐT phải bắt buộc các trường đại học gửi giấy chứng nhận điểm cho thí sinh (không trúng tuyển) để xét tuyển. Bộ cũng cần ghi rõ trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 quy định: Những trường tổ chức thi chỉ sử dụng điểm thi gọi nhập học một lần, nếu không đủ chỉ tiêu phải xét tuyển như những trường không tổ chức thi chứ không được hạ điểm xét tuyển. Mặt khác, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các trường ĐH, CĐ, Sở GD-ĐT, các đơn vị đăng ký dự thi (chủ yếu là các trường THPT) và bưu chính để giấy chứng nhận điểm đến được với thí sinh.  

  • TS NGUYỄN BÁ THẮNG, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị:
     Nên để các trường đào tạo ngành nghề đặc thù tổ chức thi
     

Từ năm 2004 đến nay, trường đã tuyển sinh 5 khóa, trong đó 3 khóa 2004, 2005, 2006 xét tuyển từ kết quả kỳ thi đại học. Mặc dù số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khá đông nhưng kết quả thí sinh đến nhập học không đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân là thí sinh yêu thích nghề thì lại không đạt điểm chuẩn để vào học, số thí sinh đạt điểm chuẩn lại không vào học vì phần lớn chọn các trường có ngành đang chạy theo thị hiếu của xã hội.

Trước tình hình này, năm 2007, 2008 nhà trường đã tổ chức thi tuyển và đạt kết quả tốt vì ngành đào tạo của trường là những ngành đặc thù, chủ yếu tập trung vào hạ tầng đô thị, một lĩnh vực nghề hiện đang rất cần nhưng thực tế người học lại chưa biết hoặc chưa thực sự quan tâm. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các trường có ngành đào tạo đặc thù, đề nghị bộ không nên bỏ kỳ thi tuyển sinh cao đẳng.  

  • Ông NGUYỄN THẠC SAN, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2 (Bộ Công thương):
     Cần có sự ổn định trong chủ trương vĩ mô về giáo dục và đào tạo
     

Vào đầu năm học 2008-2009, bộ đã thông báo chủ trương thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 sẽ vẫn được tổ chức như năm 2008. Tâm thế của các trường CĐ cũng như sự định hướng của thí sinh đã sẵn sàng theo chủ trương đó. Sau vài tháng, bộ lại đột ngột thay đổi. Điều đó dễ gây ra sự băn khoăn, lo lắng trong tâm lý xã hội. Thầy – trò trong cả nước sẽ đặt câu hỏi: "liệu có còn gì mới nữa không trong vài tháng tới". Chúng tôi nghĩ rằng, bộ nên cố gắng cao nhất để có sự ổn định trong chủ trương vĩ mô về giáo dục và đào tạo, đó là lý do xét về mặt tâm lý xã hội.

 Còn nếu xét về trình độ của từng chủ thể thí sinh, học lực của từng thí sinh rất khác nhau: có thí sinh xác định thi vào đại học, nhưng cũng không ít thí sinh xác định cao đẳng là mục tiêu thi tuyển của mình. Vì thế, bộ nên để các trường cao đẳng được tổ chức thi tuyển sinh theo đề chung. Mặt khác, nếu thi đề chung đại học rồi lấy kết quả xét tuyển cao đẳng sẽ dẫn tới những phức tạp trong cấu trúc đề thi  

ANH NHI

 Thi tốt nghiệp THPT năm 2009
 Huy động 12.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ
làm thanh tra ủy quyền

 (SGGP). – Theo tin từ Bộ GD-ĐT ngày 4-12, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 sẽ huy động khoảng 12.000 cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ trong cả nước làm thanh tra ủy quyền tại các hội đồng thi, tăng khoảng 4.000 người so với kỳ thi trước. Đây là một trong các giải pháp nhằm tổ chức kỳ thi tú tài nghiêm túc như thi tuyển sinh ĐH, CĐ để tiến tới chỉ còn 1 kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2010.

 Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các tỉnh, thành tổ chức thi và chấm thi tốt nghiệp THPT theo cụm. Dự kiến, mỗi cụm thi tập trung tuyển sinh khoảng 3 đơn vị. Trường THPT nào không thể tổ chức thi theo cụm, Sở GD-ĐT phải báo cáo bộ xem xét. Cả nước dự kiến sẽ hình thành 10 - 12 khu vực chấm thi, trung bình mỗi khu vực sẽ chấm thi cho khoảng 5 - 6 tỉnh, thành phố.
 
Đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đang dự kiến điều chỉnh giảm mức điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (Điều 33). Theo đó, đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức điểm chênh lệch trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm (giảm 0,5 điểm so với Quy chế 2008).
 V.LAN

Tin cùng chuyên mục