Quảng Bình, ngoài điểm đầu đường Hồ Chí Minh trên bộ, điểm đầu đường ống xăng dầu, điểm đầu dường dây thông tin tải ba, nơi đây còn có điểm đầu của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 19-5-1959, Đoàn 559 được thành lập, xoi tuyến vào Nam bằng đường rừng. Tháng 7 cùng năm, Tiểu đoàn 603 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng ra đời, lấy tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh gồm 107 người, tìm cách đưa vũ khí vận chuyển vào Nam bằng đường biển. Sau này, tuyến đường được đặt tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Tiểu đoàn 603 tập kết tại xã Thanh Khê (Bố Trạch, Quảng Bình), các chiến sĩ được lệnh vừa làm dân chài, vừa dựng lán trại, vừa chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi mùa đông cuối năm 1959. Sau hai tháng miệt mài, Tiểu đoàn 603 đóng được 2 chiếc thuyền đánh cá trọng tải 7 tấn. Đến giữa tháng 12-1959, Tập đoàn đánh cá sông Gianh có 20 chiếc thuyền buồm như thuyền đi biển của ngư dân liên khu V. Tất cả cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 603 được cấp giấy chứng minh có dấu nổi của tỉnh trưởng Quảng Nam. Sau khi có thuyền, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 lệnh cho Tập đoàn đánh cá sông Gianh đánh cá ven biển Cửa Tùng và tiếp tế hàng cho bộ đội trên đảo Cồn Cỏ.
Tháng 10-1959, Tiểu đoàn 603 bí mật đặt một trạm thông tin tại đèo Hải Vân nhằm chuẩn bị cho chuyến đưa hàng vào Nam đầu tiên. Đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm 1960, trong khi người dân đón tết trong tiếng pháo đì đùng thì những người lính Tiểu đoàn 603 lặng lẽ lên thuyền, nhổ neo vào Nam.
Chuyến đầu tiên, vừa thăm dò, vừa tiền trạm, Bộ Tư lệnh Đoàn 559, quyết định chỉ một thuyền chở 5 tấn vũ khí đạn dược, thuốc quân y với 6 thủy thủ ra khơi. Gió bấc thổi mỗi lúc một mạnh, rét ngọt xuyên da thịt, những “ngư dân” và những cái bắt tay ấm nồng thật chặt rồi chia tay, không ai nói được điều gì, mặc dù trong lòng mỗi người đều xác định việc trở về của con thuyền là hết sức mong manh.
Tàu rời bến. Các thủy thủ trực chỉ vùng biển quốc tế, sau đó cho thuyền hướng vào Nam. Thuyền ra đi, mọi người ngóng đợi từng ngày. Qua ngày thứ ba, thủy thủ đoàn chống chọi với những cơn sóng biển đến mệt nhoài, cố giữ không cho thuyền lật thì bánh lái bị gãy, con thuyền trôi vô định. Lúc đầu điểm tập kết đặt ở Hố Chuối đèo Hải Vân, nhưng thuyền dạt vào địa phận đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), những đồng đội chờ ở Hố Chuối từng ngày, rồi ba tuần không thấy tăm tích đành rút lui nhằm tránh bị lộ.
Trong khi đó, thuyền vật lộn với những con sóng ở biển Lý Sơn thì kẻ địch phát hiện. Hồi ức của Thiếu tướng Võ Bẩm viết: 6 người lính Tiểu đoàn 603 nhanh trí đánh chìm 5 tấn hàng hóa, súng đạn, thuốc men xuống biển. Lòng họ quặn thắt nhìn số hàng đưa vào miền Nam ruột thịt phải nằm lại vĩnh viễn dưới đáy biển. Khi địch tiếp cận thuyền, cả 6 người đều nói thuyền đánh cá, gặp bão trôi dạt. Nhưng chúng không tin, bắt giam riêng từng người, tra tấn hòng moi thông tin. 6 con người bất khuất gan dạ, vẫn giữ bí mật tổ chức. Sau này một chiến sĩ được địch trao trả vào năm 1973, một người khác trốn thoát khỏi trại giam, tiếp tục tìm đường ra Bắc. Tiểu đoàn 603 sau chuyến đi đó được chuyển về cho Cục Hải quân.
52 năm sau ngày Tiểu đoàn 603 ra khơi, Thanh Khê giờ đây ngày càng phát triển. Kinh tế biển của xã là động lực cho các xã ven biển của huyện Bố Trạch học tập, noi theo. Bởi đây là xã biển mạnh, có đoàn tàu đánh cá 400 chiếc, hàng trăm thuyền nhỏ khác làm công tác hậu cần nghề cá, đánh bắt gần bờ. Thanh Khê cũng là nơi đầu tiên của Quảng Bình đưa con em đi xuất khẩu lao động. Mỗi năm, lực lượng này gửi về gần 10 tỷ đồng cho gia đình phát triển kinh tế. Bộ mặt địa phương không còn những ngôi nhà lụp xụp úp trên cát như năm nào mà nhà nghỉ, khách sạn, biệt thự mọc khắp các trục đường. Thanh Khê phát triển nhưng tấm bia di tích - điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển, dọc quốc lộ 1A, cách UBND xã chưa đầy 500m - đã xuống cấp nghiêm trọng. Nền bia di tích bị thời gian làm cho lún sụt. Chúng tôi thắp lên đó nén hương mà lòng xót xa cho một di tích gần như bị lãng quên.
Minh Phong