Hàng năm, cứ vào dịp Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng), thi nhân mặc khách khắp nơi tụ hội về Hà Tiên, đắm mình trong không gian lễ hội, chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc trưng của người dân, nghe lại sự ra đời của Tao Đàn Chiêu Anh các hay nghe ngâm một vài câu thơ… đặc biệt là được tham quan, du ngoạn những cảnh đẹp nổi tiếng của vùng đất thơ.
277 năm Chiêu Anh các
Theo các nhà nghiên cứu về Hà Tiên, cách đây gần 300 năm, vào một đêm trăng tỏ rạng in dáng rực rỡ xuống Đông Hồ, một “hiện tượng văn chương” đã xuất hiện tại Hà Tiên, đó là Tao Đàn Chiêu Anh các. Đây là Tao Đàn thứ hai trong lịch sử văn hóa dân tộc, kế tục sự nghiệp thi văn của Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú do vua Lê Thánh Tông lập ra trong một mùa đông gần 250 năm trước đó (năm 1495). Chủ súy của Chiêu Anh các là Mạc Thiên Tích, con trai trưởng của Mạc Cửu, Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc Hầu và bà Bùi Thị Lẫm, một phụ nữ Việt ở làng Đồng Môn, trấn Biên Hòa. Mạc Thiên Tích (tức Mạc Tông, tự Thiên Tứ, sau đổi là Thiên Tích), sinh ngày 7 tháng 3 năm Bính Tuất (1706).
Ông lớn lên trong giang sơn mà người cha Mạc Cửu đã kiến tạo bằng chí khí và tầm nhìn của một nhà chiến lược. Nếu tao đàn của vua Lê Thánh Tông có Nhị Thập Bát Tú thì Chiêu Anh các quy tụ gần 60 cây bút kể cả trong và ngoài nước, nên có tiếng vang rất lớn. Chủ súy Mạc Thiên Tích, những lúc chính trị thư rỗi đã cùng các quan nhân bàn việc vịnh thơ, việc ngâm vịnh này đưa đến kết quả mười bài thơ vịnh về cảnh đẹp Hà Tiên ra đời. Tập thơ “Hà Tiên thập vịnh” được in vào năm 1737.
Trong bài tự cho tập thơ, Mạc Thiên Tích đã viết: “Trấn Hà Tiên nước An Nam xưa là đất hoang, từ tiên quân (tức Mạc Cửu) khai sáng đến nay đã 30 năm mà dân mới được ở yên, hơi biết việc trồng trọt. Mùa hè năm Ất Mão tiên quân mất đi, tôi nối theo mối trước, trong khi chính trị thư rỗi, hàng ngày cùng với văn nhân bàn việc vịnh thơ. Mùa xuân năm Bính Thìn, Trần Tử Hoài ở Việt Đông cưỡi thuyền tới đây, tôi tiếp đãi làm thượng khách, mỗi buổi hoa sớm trăng hôm, ngâm vịnh không dứt. Nhân đem mười bài vịnh cảnh Hà Tiên để xin nhau họa vần. Trần Tử dựng cờ Tao Đàn, thủ xướng phong nhã. Kịp khi về Châu Giang chia đề trong Bạch xã, vâng được các ông không bỏ, theo đề vịnh tiếp, đóng thành một quyển, xa gửi cho tôi, nhân đem khắc in. Do đó, biết núi sông nhờ được phong hóa của tiền nhân mà thêm phần tráng lệ, lại được các danh sĩ phẩm đề mà thêm vẻ tinh tú. Thơ này chẳng những chỉ làm cho chốn ven biển thêm phần tươi đẹp mà cũng là một trang sử của Hà Tiên vậy.”
Tao Đàn Chiêu Anh các hoạt động khoảng 40 năm đã xuất bản 7 tập sách chữ Hán và một tập sách chữ Nôm. Trịnh Hoài Đức, người sống sau Mạc Thiên Tích không xa (1765 - 1825) đã thống kê lại trong bài tựa cho sách “Minh bột di ngư” của Mạc Thiên Tích mà ông in lại vào năm 1821. Những nhan đề sách chữ Hán như sau: “Hà Tiên thập cảnh toàn tập/Minh bột di ngư di thảo/Hà Tiên vịnh vật thi tuyển/Châu thị trinh liệt tặng ngôn/Thi truyện tặng Lưu tiết phụ/Thi thảo cách ngôn dị tập…”. Ngoài 6 bộ chữ Hán, còn có bộ sách chữ Nôm “Hà Tiên quốc âm thi tập” với 10 bài họa 10 cảnh Hà Tiên, có thêm những khúc ngâm xen giữa dài 422 câu. Đây quả là một sáng tác đồ sộ của một tao đàn thời đó.
Hà Tiên - vùng đất thơ
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy thắng cảnh Hà Tiên đẹp và thơ mộng đến mức độ nào mà hình thành nên Tao Đàn Chiêu Anh các với số lượng thi nhân và thi phẩm lớn như vậy? Để trả lời câu hỏi này, xin mượn lời nhận định của một nhà thơ sinh ra và lớn lên tại Hà Tiên, thi sĩ Đông Hồ, đăng trong quyển “Đông Hồ, Văn học miền Nam - văn học Hà Tiên”, xuất bản năm 1970: “Muốn đem so sánh với những danh lam thắng tích, muốn đem so sánh với những danh sơn đại xuyên, thì phong cảnh Hà Tiên thực vẫn còn kém nhiều nơi lắm. Nhưng mà Hà Tiên dễ yêu, dễ cảm nhiễm người, vì ở đó núi rừng không cao rậm lắm, đến cho người ngắm hãi hùng, biển hồ không sâu rộng lắm, đến cho người nhìn kinh sợ. Ở đó như một cảnh giả sơn thân mật, trong hoa viên, mỗi cảnh nhỏ nhỏ xinh xinh vừa đủ để cho tầm ngoạn thưởng.
Còn theo nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, chính Chiêu Anh các đã làm cho Hà Tiên nói chung và những thắng cảnh: Bãi biển Mũi Nai, Thạch Đông, núi Tô Châu, đầm Đông Hồ, núi Đá Dựng, chùa Phù Dung, lăng Mạc Cửu… thêm đẹp, thêm xinh, làm cho bạn bè khắp nơi biết đến, không để chỉ ca ngợi mà còn góp phần phát triển. Đó chính là giá trị vật chất của Chiêu Anh các để lại cho thế hệ hôm nay. Cũng theo nhà nghiên cứu quê Hà Tiên này, người Hà Tiên yêu quý Chiêu Anh các, trong đêm Nguyên Tiêu nhân dân trao đèn kết hoa, tham dự lễ hội, hái lộc đầu xuân theo truyền thống và nghe một bài diễn văn nói về sự ra đời của Chiêu Anh các. Phải chăng người xưa đã đặt nền móng một cách vững chắc cùng với sơn xuyên tú lệ để làm nên cốt cách, tâm hồn và cả những nét sinh hoạt của người Hà Tiên.
Người dân Hà Tiên đi hái lộc trong đêm Nguyên Tiêu chứ không phải đêm giao thừa như những nơi khác. Còn trong tiết Thanh Minh nhân dân đi tảo mộ, cúng xong rồi ăn uống tại mộ trên các triền núi, triền dốc suốt cả ngày. Hơn hết truyền trống Chiêu Anh các đất Hà Tiên đã sản sinh ra những người con ưu tú trên văn đàn cả nước, điển hình là chí sĩ Nguyễn Thần Hiền, nhà nho Dưỡng Hối Trần Đình Quang, đôi uyên ương Đông Hồ - Mộng Tuyết, nhà văn - nhà nho Lư Khê, nữ sĩ Manh Manh Nguyễn Thị Kiêm. Mở rộng ra trên địa bàn Hà Tiên xưa còn có Trần Bạch Đằng, Kiên Giang, Sơn Nam… “Di sản Tao Đàn Chiêu Anh các chỉ bàng bạc trong tâm hồn người dân Hà Tiên, qua những nét sinh hoạt đặc thù, đồng thời cũng yêu mến Chiêu Anh các như là di sản quý giá mà ông cha ta để lại nhưng chưa hiểu hết giá trị văn chương của người xưa” - ông Trương Thanh Hùng nhận định
Trọng Nghĩa