Về phim Cô gái xấu xí, nhà biên kịch Thùy Linh:“Đi được chặng đường dài là thử thách lớn”

Về phim Cô gái xấu xí, nhà biên kịch Thùy Linh:“Đi được chặng đường dài là thử thách lớn”

Mặc dù đã có khá nhiều phim sitcom (hài kịch tình huống) được “Việt hóa”, nhưng đây là lần đầu khán giả VN được xem một bộ phim Việt thuộc thể loại tiểu thuyết truyền hình (Telenovela, như Người giàu cũng khóc, Đơn giản tôi là Maria...). Lên sóng vào giờ vàng (21 giờ từ thứ hai đến thứ tư) trên VTV3, bộ phim nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận. Khán giả… nhiệt tình bắt “lỗi” nhưng cũng dõi theo sát sao số phận của Huyền Diệu để buồn vui cùng cô.

Bên cạnh đạo diễn Minh Chung, nhà biên kịch Thùy Linh được Hãng phim Việt chọn mặt gửi vàng để Việt hóa kịch bản Cô gái xấu xí (CGXX, phần đầu gồm 90 tập). Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Thùy Linh.

Về phim Cô gái xấu xí, nhà biên kịch Thùy Linh:“Đi được chặng đường dài là thử thách lớn” ảnh 1

Cảnh trong phim Cô gái xấu xí.

- Có ý kiến khán giả trong cuộc giao lưu với diễn viên Chi Bảo và Ngọc Hiệp: CGXX được khán giả đón nhận dù nội dung hết sức bình thường. Có phải vì lâu nay trên VTV quá thiếu những bộ phim giải trí nhẹ nhàng nên sự xuất hiện của CGXX dễ dàng “được lòng” khán giả?

Sự giản dị bao giờ cũng dễ đi vào lòng người. Hoàn toàn không khó hiểu nếu CGXX được mọi người đón đợi… Tất nhiên, để đi được một chặng đường dài là một sự thử thách lớn cho các nhà sản xuất, biên kịch và đội ngũ đạo diễn, diễn viên… Liệu CGXX có giữ chân được khán giả đến cùng hay không còn là một ẩn số khá hồi hộp với những người tham gia làm bộ phim này. Thôi thì cứ hy vọng, cứ chờ đợi và làm việc hết mình như cô Huyền Diệu xấu xí kia vậy…

- Phim có khá nhiều tình huống bị “đẩy” quá mức bình thường. Chẳng hạn, ở tập 9, đáng ra Huyền Diệu chỉ cần nói tuột ra rằng, cô đã chuẩn bị một bản báo cáo thì Tổng giám đốc An Đông sẽ không còn bực bội cáu gắt hết người này đến người khác và cô cũng không đến mức bị đuổi việc...

Trước hết, phải xem xét cụ thể tình huống ấy. Các nhà biên kịch nước ngoài đã cân nhắc rất kỹ khi để An Đông gần như độc thoại trong tập 9 khi anh ta làm mọi người rối tinh lên vì cái tính nóng nảy, gia trưởng của mình… Anh ta không thèm nghe ai mà chỉ thỏa sức thể hiện cơn cáu giận đến phát điên… Chính tính cách nhân vật đã đẩy câu chuyện đi xa hơn đáng lẽ nó không đến mức phải thế… Giống như trong cuộc sống có lần nào đó, bạn tình cờ chứng kiến một câu chuyện mà đáng ra nó không đến mức như vậy nếu người ta biết bình tĩnh lắng nghe nhau. Và nhờ những xung đột này, tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét khiến bạn phải nhớ.

- Kịch bản gốc CGXX có khá nhiều cảnh “giường chiếu”. Chị đã phải cắt bỏ để phù hợp với khán giả VN hay để dễ dàng qua được kiểm duyệt của “nhà đài”?

Mối quan hệ nam - nữ với người Mỹ Latin hầu như không có gì cản trở lắm khi họ đến với nhau dù bất cứ vì lý do gì… Nhưng với người Việt thì không dễ dàng như vậy. Hơn nữa, tiêu chí của các sản phẩm giải trí không cho phép chúng ta đưa lên màn ảnh một cách dễ dãi… Điều này thuộc về tính cách, lối ứng xử chứ không là phạm trù đạo đức nên chúng tôi phải “dẫn giải” đến “độ”. Nói chung, những điểm hơi khác biệt trong ứng xử có thể vẫn giữ lại, đặc biệt là chấp nhận những gì thuộc về tính người…

- Là Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình-Đài Truyền hình VN, vì sao chị nhận lời Việt hóa kịch bản này với khối lượng công việc đồ sộ và không kém phần khó khăn? Chị không sợ mang tiếng “chân trong, chân ngoài”?

Không ai ngăn cản tôi làm một việc khác ngoài công việc cơ quan nếu tôi hoàn thành tốt những việc đã được giao. Tôi chưa bao giờ phải hổ thẹn vì “ăn cây táo”, rào cây…gì đó… Trước đó, nhà sản xuất bộ phim cho biết, tất cả các nước mua bản quyền bộ phim này đều thành công khi sản xuất tại nước họ. Điều này khiến tôi tò mò.

Thật ra, khi nhận lời Việt hóa kịch bản này, tôi chưa được bổ nhiệm vị trí công tác mới. Công việc kéo dài hàng năm trời nên sau này, tôi kéo thêm các nhà biên kịch khác cùng “vào cuộc” và cuối cùng, tôi chuốt lại để kịch bản có phong cách thống nhất. Các nhà biên kịch VN thường tung ra nhiều tình huống và chi tiết nhưng không quản lý được và không tận dụng đến cùng nên câu chuyện diễn ra hời hợt và đôi khi cảm thấy kết cục vô lý. Tôi cũng muốn họ tìm thấy những điều bổ ích về nghề nghiệp từ kịch bản này.

- Chị sẽ nhận lời “Việt hoá” phần 2 nếu nó được quyết định đưa vào sản xuất và cả “Việt hóa” những kịch bản khác nữa?

Điều này còn phụ thuộc Hãng phim Việt có mời tôi nữa không (cười vui). Nếu có kịch bản hay và có giá trị đích thực, tôi sẽ nhận lời. Tôi có thể học được cả những kiến thức quý giá trong cuộc sống mà ngoài đời không có điều kiện thâm nhập.

- Chị đã thấy mình “lên tay” sau CGXX và có mơ ước viết được một kịch bản như vậy?

Tôi chưa chính thức bắt tay vào viết kịch bản mới nào nên chưa biết “lên tay” hay không. Mơ ước thì… luôn mơ ước, nhưng viết được hay không thì… còn phải chờ đợi!

- Xin cảm ơn chị.

Hoàng Thắng thực hiện

Tin cùng chuyên mục