Trong những ngày này, chúng tôi có dịp về thăm quê hương nhà cách mạng Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Cờ hoa, băng rôn rực rỡ chào mừng 110 năm ngày sinh người con ưu tú của quê hương (5-5-1902 - 5-5-2012) cùng với các hoạt động tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu diễn ra sôi nổi…
Chúng tôi tìm về xóm Phan Đăng Lưu - một vùng quê thanh bình yên ả, với đồng lúa xanh mướt, với dòng kênh xanh. Ngôi nhà xưa của gia đình nhà cách mạng nằm trong vườn cây đầy hoa lá, mặt tiền hướng ra cánh đồng. Ngôi nhà được xây dựng với 2 tầng, bên trong kết cấu bằng gỗ. Đây chính là nơi Phan Đăng Lưu cất tiếng khóc chào đời, nơi gắn bó với tuổi thơ và cả những thời điểm hoạt động cách mạng đầy gian truân của ông.
Thật may mắn khi chúng tôi được gặp cụ Phan Đăng Thành, năm nay đã 89 tuổi. Cụ là em thúc bá với đồng chí Phan Đăng Lưu (thân sinh của đồng chí Phan Đăng Lưu và thân sinh cụ Thành là hai anh em ruột). Trước đây cụ quản lý nhà lưu niệm, nhưng từ 2 năm nay do sức khỏe yếu nên cụ thôi công việc này. Những ngày qua, cụ vẫn đến xem con cháu và anh em ở UBND huyện, xã tổ chức ngày lễ. Cụ dẫn chúng tôi đi giới thiệu từng hiện vật trong nhà.
Cụ nhớ năm 1936, đồng chí Lưu về nhà xoa đầu cậu em nhỏ, rồi hỏi: “Em học có giỏi không?”. Không để cậu em trả lời, đồng chí nói tiếp: “Em cố gắng học thật giỏi, phải học thật giỏi”. Đồng chí chỉ nói vậy và tặng cho em Thành 3 cuốn vở để viết. Cụ Thành vẫn nhớ như in, ngày ấy chiếc sập gỗ lim kiểu cổ có thùng là nơi đồng chí Phan Đăng Lưu dùng để tiếp khách, nghỉ ngơi, còn bên dưới thùng là nơi đựng tiền đồng, khế ước... Cạnh giường là chiếc rương gỗ bọc kẽm, bên trong đựng sách báo, giấy tờ... Gần đó là chiếc thạp cổ bằng sành của gia đình dùng để đựng gạo. Thời gian đồng chí Phan Đăng Lưu ở nhà, mấy anh chị em như bà Lưu, bà Tài, bà Bích... ra Thanh Hóa học nghề dệt, sau đó mở một xưởng dệt với 7 khung cửi trong vườn nhà. Những ấn tượng, kỷ niệm đó, dù mấy chục năm rồi cụ Thành vẫn không thể nào quên.
Chúng tôi ghé vào trụ sở UBND xã Hoa Thành. Trụ sở đang được xây dựng khang trang. Ông Lê Thanh Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hoa Thành không giấu niềm tự hào là con em quê hương nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ông cho biết, Hoa Thành đang ngày càng thay đổi rõ nét. Nếu như năm 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 11,87% thì đến năm 2011, tốc độ này đạt 15,8%, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 14,1 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến mạnh mẽ.
Năm 2005, nông nghiệp - thủy sản chiếm tỷ trọng 49,3%, đến năm 2011 còn 23,4%, trong khi đó công nghiệp xây dựng từ 10,3% tăng lên 29,4%, dịch vụ thương mại từ 40,3% tăng lên 47,2%... Hoa Thành nổi tiếng là nơi có nghề sản xuất lúa giống, hàng năm xuất được gần 300 tấn giống đem lại năng suất cao cho bà con nông dân trong vùng. 100% tuyến đường xã đã được nhựa hóa, trên 80% tuyến đường thôn, xóm được bê tông hóa... Học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt 98,5%, tốt nghiệp THPT đạt 96,7%,... Hàng năm học sinh của xã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng... chiếm tỷ lệ trên 80% số học sinh tốt nghiệp THPT. Từ năm 2008 xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Rời quê lúa Yên Thành, chợt nghe trên hệ thống loa truyền thanh lời hát: “Về Yên Thành, đi bên em anh nói lời thương... /Ngọn cờ công nông như vẫn hồng tươi/Bên mái đình xưa Liên Trì còn đó/Ơi Phan Đăng Lưu người anh hùng bất tử/Lấp lánh tượng đài Xô Viết 30/Để hôm nay, Yên Thành trang sử ngời soi...”.
| |
DUY CƯỜNG