Về quê hương những người anh hùng ở hang Tám Cô

Đã có nhiều câu chuyện kể về sự hy sinh cảm động cũng như nhân thân của 8 liệt sĩ hy sinh ở hang Tám Cô (Quảng Bình), nhưng có điều đến nay vẫn còn ít người biết. Đó là một trong 8 TNXP nằm lại tại hang Tám Cô ấy, có một người đã để lại cho người thân giọt máu của mình. Sau 40 năm kể từ ngày họ hy sinh, chúng tôi tìm đến xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và may mắn gặp được “giọt máu” của liệt sĩ TNXP Nguyễn Mậu Kỷ…
Về quê hương những người anh hùng ở hang Tám Cô

Đã có nhiều câu chuyện kể về sự hy sinh cảm động cũng như nhân thân của 8 liệt sĩ hy sinh ở hang Tám Cô (Quảng Bình), nhưng có điều đến nay vẫn còn ít người biết. Đó là một trong 8 TNXP nằm lại tại hang Tám Cô ấy, có một người đã để lại cho người thân giọt máu của mình. Sau 40 năm kể từ ngày họ hy sinh, chúng tôi tìm đến xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và may mắn gặp được “giọt máu” của liệt sĩ TNXP Nguyễn Mậu Kỷ…

Phóng viên Báo SGGP trò chuyện với mẹ Lê Thị Ngoạn, thân sinh liệt sĩ Lê Thị Lương tại xã Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Nam

Phóng viên Báo SGGP trò chuyện với mẹ Lê Thị Ngoạn, thân sinh liệt sĩ Lê Thị Lương tại xã Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Nam

Cha hứa sẽ về

Hoằng Đạt, Hoằng Hóa bên chân đê sông Cái là bản quán của liệt sĩ Nguyễn Mậu Kỷ. Anh sinh năm 1935, đi TNXP năm 1970, sau khi đã cưới cô thôn nữ Nguyễn Thị Chờ. Ngày lên đường, đứa con gái đầu lòng của anh chị đã tròn 5 tháng tuổi. Anh ôm hai mẹ con trên triền đê nói: “Em và con đợi anh, anh sẽ về…”.

Ngôi nhà của liệt sĩ Nguyễn Mậu Kỷ ở Hoằng Đạt vẫn còn nếp cũ, thân sinh của anh đã mất chừng 10 năm trước, còn người em ruột, Nguyễn Mậu Mật, trông nom nhà cửa và thờ phượng khói hương. Ông Mật kể: “Ngày anh tôi lên đường, cháu Thanh còn nhỏ. Thời buổi khó khăn, nó quắt lại trong rét lạnh. Chị Chờ ở nhà, ruộng đồng xã viên, phấn đấu là hậu phương tốt cho anh yên tâm chiến đấu”. Hai năm sau, năm 1972, ở nhà nhận được tin báo tử của anh Kỷ, chị Chờ khóc hết nước mắt. Sau lễ truy điệu, thương cô con dâu, bố mẹ chồng động viên: “Con còn trẻ, nếu có người vừa ý thì cứ đi bước nữa…”. 5 năm sau, khi con gái Nguyễn Thị Thanh tròn 7 tuổi, chị Chờ tái giá. Ông bà nội cùng chú Mật nhận nuôi con gái liệt sĩ.

Chị Thanh lớn lên trong thời buổi khó khăn, hết chiến tranh lại đến cấm vận kinh tế. Chị kể: “7 tuổi tôi đã phải thôi học vì ông bà nội khó khăn quá. Ở với ông bà làm xã viên hợp tác xã, đến đổi mới thì lấy chồng, ra riêng về quê chồng ở thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc”. Ký ức về cha chỉ là các câu chuyện từ mẹ và đặc biệt là bà nội và chú Mật qua những lá thư trong hai năm chiến đấu ở đường 20 - Quyết Thắng, cha của chị Thanh vẫn đều đặn gửi về. Chị kể: “Nhiều đêm không ngủ được, cứ hỏi cha đi đâu, đòi phải thấy mặt cha, bà nội kể cha hy sinh trong một hang đá, bà kể nhiều đêm liền, đêm nối đêm, vì vậy mà in sâu hình ảnh cha là một người anh hùng trong chiến đấu chứ không tường được mặt cha, chỉ biết lúc nhỏ, người làng hay nói con Thanh giống hệt khuôn mặt anh Kỷ”.

Trò chuyện với ông Mật, vì sao liệt sĩ Kỷ có người con gái mà nhiều người không biết? Ông Mật phân trần: “Xã biết, huyện biết chứ, nhưng chắc không ai báo cáo, còn tôi được mời vào Quảng Bình viếng hương, cũng định kể mấy lần, nhưng không có cơ hội, rồi thì thời gian quần quật làm ăn nên cũng quên luôn. Lần này, tỉnh Quảng Bình tổ chức giỗ 40 năm cho 8 anh chị, trong đó có anh tôi, tôi mới báo với cơ quan tổ chức, họ mới biết và mời cháu Thanh cùng vào…”.

Chị Thanh lớn lên giữa đất làng, mong từng ngày được vào nơi cha hy sinh để thắp nén nhang. Đã một lần cùng ông nội đi vào nhưng dọc đường bị mất tiền nên phải quay trở về. Năm 1993, cùng bà nội bán ít lúa định lên đường thì bà bị ốm nặng, việc lớn đành bỏ dở. Đến nay, khi được mời vào đường 20 thắp cho cha nén nhang, chị vui vì ước mong đã thành, vui mà khóc, bởi đằng đẵng 40 năm mới đến được nơi cha nằm. Gia cảnh chị Thanh, theo UBND xã Hoằng Phúc, thuộc diện cận nghèo, chị lấy chồng làm nông, có 2 đứa con, cháu gái lớn đang học năm 3 Đại học Luật Hà Nội, cháu trai nhỏ hiện học lớp 9 ở địa phương. Gặp chúng tôi, chị nói: “Nghe bà nội kể, cha hứa sẽ về, nhưng tới giờ, tôi đã 42 tuổi rồi mà cha vẫn không về nên tôi phải vào thăm cha, đó là nguyện ước”.

Hai người mẹ bên dòng sông Cái

Về Hoằng Hóa, tìm hiểu mới biết, bậc sinh thành những anh hùng ở hang Tám Cô hiện chỉ có hai người mẹ còn sống. Mẹ Lê Thị Ngoạn, 85 tuổi, người sinh thành liệt sĩ Lê Thị Lương vẫn còn minh mẫn. Mẹ vừa têm miếng trầu, vừa kể về tuổi thơ của chị Lương trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Mẹ Ngoạn có 6 người con, 4 gái, 2 trai, tất cả đều đi bộ đội hoặc TNXP và đều trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có chị Lương là ở lại với cung đường 20. Mẹ Ngoạn kể: “Con Lương nó đi khi mới 16 tuổi, nó hứa xong nhiệm vụ về cưới chồng người cùng làng, nhưng nó chẳng về. Bầm (mẹ) nhớ nó, cứ mỗi cuối năm, bầm lại nhìn ra đường coi nó về không”.

Ngày xưa nghèo khó, chị Lương lên đường được mẹ Ngoạn mua cho đôi dép mới, tiễn chị trên bờ đê sông Cái lên huyện, mẹ dặn dò: “Con còn nhỏ tuổi, vào với đơn vị nhớ chăm ngoan và lễ phép, phấn đấu trưởng thành để làng xóm rạng danh”. Không ngờ, đó là câu nói cuối cùng của mẹ với con gái. Ngày nhận tin con hy sinh, mẹ Ngoạn thương con khóc đến độ một mắt bị lòa đi. Đã 40 năm từ ngày con gái hy sinh, mẹ vẫn bươn chải với ruộng đồng, nay đã già, nhưng khách đến, mẹ vẫn đun nước mời khách. Người mẹ già bên dòng sông Cái tiếp chúng tôi trong căn nhà của con trai út Lê Quốc Lương, những gì khắc khổ của cuộc đời dường như ám ảnh vào khuôn mặt dày đặc nếp nhăn của mẹ.

Hỏi mẹ có ước nguyện gì không, mẹ nói: “Đời bầm sống thế cũng là thọ rồi. Con hy sinh, Nhà nước quan tâm thăm hỏi từng năm, mua áo, tặng tiền, rồi trợ cấp, đủ cả. Chỉ mong được vào nơi con Lương hy sinh là mãn nguyện. Đầu năm 2012, bầm đã được đi vào, thắp cho nó và đồng đội nén hương, bầm vui mà khỏe đến bây giờ”.

Phía cuối huyện Hoằng Hóa là xã Hoằng Trường có mẹ Nguyễn Thị Ngơ, là mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương. Mẹ năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn còn khỏe, vẫn tự nấu cơm được khi con cái bận việc đồng áng. Mẹ Ngơ cũng mong được bữa đi vào Quảng Bình thắp hương, nhưng sức khỏe tuổi già, những người con không để mẹ đi. Gặp chúng tôi mẹ nói: “Bầm muốn vào với thằng Phương, mà già rồi con cháu không cho, chúng sợ đi đường xa lỡ xảy ra chuyện gì, nên đành ở quê ngóng nó”.
Năm nay, tròn 40 năm ngày các liệt sĩ hy sinh ở hang Tám Cô, UBND tỉnh Quảng Bình mời thân nhân các liệt sĩ ở Hoằng Hóa vào dự, hai người mẹ già bên dòng sông Cái không thể vào bởi tuổi già. Khi biết chúng tôi từ Quảng Bình đến nhà, mẹ Nguyễn Thị Ngơ cứ cầm tay bỏm bẻm miếng trầu: “Về lại trong đó, nhớ lên thắp hương cho các anh, các chị giúp bầm”

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục