Không khí oi bức đã tan dần, thay vào đó một cảm giác mát dịu bởi bạt ngàn vườn bưởi Năm Roi xen lẫn những vườn cam sành, cam mật đang vào mùa thu hoạch rộ khi chúng tôi đặt chân lên xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cái nôi của Nam Kỳ khởi nghĩa xưa nay đã thay da đổi thịt mạnh mẽ từ “ý Đảng, lòng dân”.
Phú Hữu vinh dự có được hai di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu căn cứ Liên Tỉnh ủy Cần Thơ, giai đoạn năm 1938 – 1940 và Khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 1940. Địa phương này hiện có trường THCS mang tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa, luôn là niềm tự hào giáo dục truyền thống quê hương anh hùng cho học sinh các cấp học. Sau năm 1930, Xứ ủy chọn nhà bà Ngô Thị Lụa ở rạch Ngã Lá, ấp Phú Lễ làm “trụ sở” sinh hoạt Đảng, mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho đảng viên ở các tỉnh miền Tây, tổ chức nhiều hội nghị Liên Tỉnh ủy mở rộng, đặc biệt triển khai kế hoạch khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Sáng ngày 24-11-1940, 70 quần chúng yêu nước kéo về quận lỵ Phụng Hiệp, đốt cầu Phụng Hiệp, đánh đồn Cái Cui ở làng Đông Phú, chiếm nhà Việc làng Phú Hữu. Cuộc khởi nghĩa không thành công, nhưng để lại nhiều bài học kinh nghiệm xương máu về công tác Đảng, công tác dân vận, tập hợp quần chúng quá trình đấu tranh.
Toàn xã Phú Hữu hiện có trên 1.470ha trồng bưởi, cam sành, cam mật. Sản lượng bưởi đạt trên 84.300 tấn/năm. Điều đáng quý của người dân xã anh hùng LLVTND này là họ luôn đoàn kết giúp nhau thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đặc biệt Phú Hữu nổi tiếng trong và ngoài nước loại bưởi đặc sản Năm Roi được tạo dáng hình hồ lô rất được ưa chuộng. Trước đây việc đi lại còn lắm trắc trở gian nan, chủ yếu bằng phương tiện xuồng, ghe thì nay đã mọc lên những con đường rộng thênh thang, thẳng tắp, kèm theo đó là những chiếc cầu bê tông cốt thép to đùng.
Đường vào các ấp đã được bê tông hay nhựa hóa để xe hai bánh đi lại dễ dàng quanh năm như: Kênh Xáng – Phú Trí, Cái Muồng, Thông Thuyền, Ngã Lá… Vui nhất và là niềm tự hào cho người dân nơi đây dù là xã vùng sâu nhưng 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường; trên 95% hộ gia đình đạt tiêu chí văn hóa; gần 100% hộ dân sử dụng lưới điện quốc gia, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững.
Chú Trần Văn Lợi, ngụ ấp Phú Lễ, phấn khởi nói: “… Bây giờ đời sống người dân ở đây thật đủ đầy, nhất là điện, đường, trường, trạm. Bà con đang bảo nhau quyết tâm giữ vững danh hiệu Xã anh hùng tiến đến mô hình xây dựng nông thôn mới…”. Hiện nay Phú Hữu đã hoàn thành được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi bắt gặp hàng ngàn cây xanh như: dầu, sao, bằng lăng, cau vua… được trồng theo các tuyến lộ chính khá đẹp, vừa tạo bóng mát cho du khách đến tham quan, vừa tô đẹp thêm nét duyên dáng chân quê của một xã nằm ven sông Hậu. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng xã đã xây dựng được thư viện, phòng truyền thống, bia tưởng niệm, phòng đọc sách phục vụ nhu cầu người dân. Mới đây Phú Hữu hình thành khu du lịch sinh thái được đánh giá đa dạng, hấp dẫn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chiều về thật đẹp trên dòng sông Hậu, đất thiêng này vẫn trầm lặng, uy linh như một chứng nhân lịch sử đang âm thầm kể chuyện đánh giặc giữ quê qua bao cuộc chiến tranh, giờ đang kể chuyện xây dựng làng quê theo mô hình nông thôn mới trong hòa bình bằng sử thiêng vang vọng, bằng truyền thống kiên cường của đất và người Phú Hữu anh hùng.
VÂN ANH