Về với bản

Cán bộ Đoàn vùng cao tỉnh Quảng Nam phải thường xuyên vượt qua đường sá xa xôi, hiểm trở để đến các bản làng tiếp xúc, tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Chặng đường về bản vô cùng khó khăn, nhưng với họ, mỗi lần đến với đồng bào là một cuộc trải nghiệm.
Về với bản

Cán bộ Đoàn vùng cao tỉnh Quảng Nam phải thường xuyên vượt qua đường sá xa xôi, hiểm trở để đến các bản làng tiếp xúc, tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Chặng đường về bản vô cùng khó khăn, nhưng với họ, mỗi lần đến với đồng bào là một cuộc trải nghiệm.

Trung tuần tháng 8 này, chúng tôi về huyện biên giới Tây Giang. Từ con đường Hồ Chí Minh quanh co như dải lụa mềm vắt giữa cánh rừng, rẽ từ ngã ba A Zứt, đi thêm 15km nữa là đến Tây Giang. Trung tâm huyện Tây Giang như một phố thị lọt thỏm giữa dãy Trường Sơn trập trùng núi và mây.

Vượt hơn 50km đường núi hiểm trở mới đến được thôn Agríh, xã Axan, nơi đoàn viên thanh niên đang tập trung thực hiện công trình xâp lắp, nạo vét kênh mương tuyến đường Axan-Gari. Đây là tuyến đường huyết mạch của 4 xã vùng cao Tây Giang, chạy song song đường biên giới với nước bạn Lào. Cứ sau cơn mưa, con đường lại lầy lội, sạt lở... nên năm nào Huyện đoàn Tây Giang cũng huy động thanh niên trong huyện ra quân sửa lại con đường.

Anh Cơ Lâu Hoài, Phó Bí thư Huyện đoàn, chia sẻ: “Để đến được các cơ sở Đoàn trong huyện là cả vấn đề, nơi xa nhất cách cả trăm cây số, đường nhiều đèo, dốc nguy hiểm. Có nơi không đi được, phải đẩy xe lên dốc và khi gặp mưa phải khiêng xe mới qua được những đoạn bùn lầy”.

Vì thế khi đi công tác, anh Hoài luôn mang theo các dụng cụ như xích, bơm, miếng vá, dụng cụ sửa xe để đề phòng sự cố giữa đường.

Anh Cơ Lâu Hoài, Phó Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, trên đường về với bản làng để nắm tình hình tại cơ sở ở vùng biên giới. Ảnh: Quang Quỳnh

Chị Bríu Thị Sen, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, nói: Cái khó là vậy, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu nếu so với anh em ở cơ sở. Ai từng đến các xã biên giới Gari, Ch’ơm mới cảm nhận được nỗi khó khăn, vất vả của cán bộ Đoàn nơi đây. Mỗi lần hội họp ở huyện, anh em phải đi gần 70km đường nắng bụi mù mịt hoặc vào mùa mưa phải đi bộ, còn đi xe máy phải bọc thêm sợi xích vào lốp xe (xích là sợi sên xe máy cũ, bọc quanh lốp xe để tăng độ ma sát với mặt đường, chống trượt). Anh Alăng Nhì, Bí thư Đoàn xã Gari, tâm sự: “Cán bộ Đoàn ở những xã vùng cao như chúng tôi vất vả lắm, ngoài sự nhiệt huyết với phong trào còn phải có sự quyết tâm cao mới hoàn thành được nhiệm vụ. Vào mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn nhưng khi nhận được thư triệu tập của Đoàn cấp trên, chúng tôi phải lên đường để nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn của Huyện đoàn, Tỉnh đoàn rồi về địa phương xây dựng, thực hiện các phong trào”.
Do địa hình dàn trải, nhà cửa phân bố thưa thớt, từ làng này sang làng khác có khi phải mất cả buổi đi đường. “Có lần đi công tác tại xã Kà Dăng, thời điểm mùa đông mưa dài ngày, anh em chạy xe máy gần 3 giờ từ trung tâm huyện đến Nhà máy Thủy điện Sông Kôn, sau đó phải lội bộ hơn 2 giờ nữa mới đến trung tâm xã. Làm việc xong, còn phải cùng anh em đến tận nhà thanh niên nghèo, thanh niên đang có vấn đề về tâm lý để nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của anh em. Nhiều lần phải ngủ lại đêm vì đi từ thôn này qua thôn kia phải mất một quãng đường rất xa”, anh Đỗ Hữu Tùng, Bí thư Huyện đoàn Đông Giang, kể.

Kinh phí tổ chức các hoạt động của Đoàn, Hội cũng là vấn đề đau đầu với các đơn vị vùng cao. Anh Nguyễn Văn Phi, Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, cho biết, hầu hết đều phải huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Các chương trình tuyên truyền hay hoạt động phong trào đều tìm các tổ chức có liên quan để phối hợp thực hiện nhằm giảm chi phí. 10 năm công tác tại Huyện đoàn, Phi nhớ nhất là chuyến tình nguyện tại cụm dân cư Pêtapóc. Gần 50 anh em ăn ở, làm việc cùng dân làng trong suốt cả tuần mới hoàn thành việc lợp mái tôn cho 7/9 ngôi nhà. Có điều mọi sự mệt nhọc tan biến khi chứng kiến sự nhiệt tình của người dân địa phương cùng tham gia lao động hay những ánh mắt tò mò, bẽn lẽn, tiếng cười khúc khích của những đoàn viên “sơn nữ” bản địa khi nhìn thấy cán bộ Đoàn huyện về công tác tại thôn mình.

Tại thôn Agríh (xã Axan, Tây Giang), vào thời điểm buổi trưa nắng gắt nhưng hàng trăm đoàn viên thanh niên vẫn hăng say tay cuốc, tay xẻng lao động và những chiếc áo xanh tình nguyện xanh rực một góc rừng…

NGUYÊN KHÔI - QUANG QUỲNH

Tin cùng chuyên mục