Về vùng chiến khu cách mạng Kroong

Vượt hơn 80 cây số đường rừng từ phố huyện An Khê, theo tuyến đường Trường Sơn Đông đang thi công gập ghềnh đá sỏi và bụi mù, chúng tôi đến Kroong - vùng căn cứ địa cách mạng xưa – nay là xã Kroong, huyện KBang (tỉnh Gia Lai). Lần đầu tiên đặt chân đến vùng rừng núi hoang sơ, các thành viên trong đoàn doanh nghiệp quận 12 (TPHCM) ai nấy đều háo hức vì ý nghĩa của một chuyến đi mang quà tết đến với đồng bào Banar của đại ngàn Tây Nguyên…

Vượt hơn 80 cây số đường rừng từ phố huyện An Khê, theo tuyến đường Trường Sơn Đông đang thi công gập ghềnh đá sỏi và bụi mù, chúng tôi đến Kroong - vùng căn cứ địa cách mạng xưa – nay là xã Kroong, huyện KBang (tỉnh Gia Lai). Lần đầu tiên đặt chân đến vùng rừng núi hoang sơ, các thành viên trong đoàn doanh nghiệp quận 12 (TPHCM) ai nấy đều háo hức vì ý nghĩa của một chuyến đi mang quà tết đến với đồng bào Banar của đại ngàn Tây Nguyên…

An tượng đầu tiên của các thành viên trong đoàn khi vừa đến trung tâm xã Kroong là hình ảnh gần 300 người dân, trong đó có nhiều cụ già 60, 70 tuổi rực rỡ trong bộ trang phục dân tộc Banar, đã có mặt từ rất sớm để đón đoàn. Để đến được trung tâm xã, nhiều người đã vượt qua quãng đường rừng hàng chục cây số đi mất nửa ngày đường. Khi biết đoàn chúng tôi từ TPHCM đem quà tết đến với đồng bào, Yre’ Roan, nghẹn ngào nói: “Tết năm nay người dân làng Kri mình được no cái bụng đây. Lâu lắm rồi xã Kroong mới đông vui như hôm nay…”.

Mở đầu cho chương trình vui đón Tết Tân Mão, các đoàn viên, thanh niên của Tỉnh đoàn Gia Lai đã đem đến nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Với nhiều người dân Banar nơi rừng núi hoang sơ này, tết đã thực sự đến với họ qua lời ca, điệu múa và cả những món quà đầy nghĩa tình của những người con thành phố mang tên Bác.

Quà tết mà hơn 300 gia đình đồng bào Banar đón nhận hôm nay là những tấm áo ấm, ký đường, bịch bột ngọt, chai dầu ăn… và 200.000 đồng. “Quà nhiều quá. Cảm ơn Đảng nhiều nhiều…” – già làng Rơ Chăm On xúc động nói. Nắm chặt tay anh Năm Đi – một thành viên trong đoàn, cụ bà H’ Ché như bày tỏ tình cảm với những người con xa đã không quên mảnh đất chiến khu xưa. Cụ H’ Ché nghẹn ngào nói: “Nhiều năm qua Đảng, Bác Hồ đã quan tâm đầu tư nhiều cho đời sống của người dân xã Kroong. Nay còn cho quà tết nữa…”.

Không chỉ đem đến những món quà tết cho người dân xã Kroong, trong chuyến đi này Hội doanh nghiệp quận 12 còn quyết định trao số tiền 40 triệu đồng cho Tỉnh đoàn Gia Lai để xây dựng 2 căn nhà nhân ái tặng những bạn thanh niên dân tộc Banar có hoàn cảnh khó khăn. Tổng số tiền đóng góp cho chuyến đi đầy ý nghĩa này gần 200 triệu đồng do Công ty TNHH một thành viên Công ích quận 12, Công ty TNHH Thọ Nam Sang và Công ty Vạn Xuân (quận 12) đóng góp.

Như tâm sự của anh Đoàn Văn Ninh, Giám đốc Công ty Vạn Xuân: “Được tận mắt chứng kiến đời sống của người dân vùng chiến khu xưa còn nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn được làm nhiều hơn nữa qua những việc làm nhỏ bé này. Những món quà xuân mà bà con đón nhận hôm nay còn là tấm lòng tri ân của doanh nghiệp TPHCM đối với vùng đất chịu nhiều gian khó trong cuộc kháng chiến đã qua”.

Cũng với nghĩa cử này, chúng tôi được biết trong những năm qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận 12 đã âm thầm đóng góp với số tiền hàng tỷ đồng để tổ chức các chuyến đi nghĩa tình đến với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở tỉnh Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum. Sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành với Chương trình “Đến với đại ngàn Tây Nguyên” thông qua các hoạt động tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng học bổng, trợ vốn làm ăn cho đồng bào dân tộc khó khăn… Đây là sự thể hiện nghĩa tình của những người con thành phố mang tên Bác hướng về đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hùng vĩ.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục