Dẫu không phải tha hương nơi xứ người thì cũng là sống trên mảnh đất không có núm dây rốn của mình được chôn, nên giờ đến tuổi thất thập cổ lai hy, cậu nhớ quê da diết.
Tôi nhớ, chỉ những lần ở quê có việc trọng đại cậu mới về, mà về cũng chỉ chớp nhoáng xong việc liền đi ngay. Nên thời gian rảnh rang mà nhấp ngụm trà, uống chén nước ôn chuyện cũ còn không có, chứ đừng nói gì đến việc cậu thưởng thức các món ngon của quê hương. Lần này về, cậu bảo sẽ ở nhà hẳn một tháng, đi thăm một vài nơi, ăn vài món đặc sản của quê cho thấm cái hồn quê vào mình rồi mới đi, giờ tuổi già sức yếu rồi, biết đến bao giờ mà về được.
Hôm cậu lên nhà, trời đang oi oi gắt nắng bỗng tí tách mưa. Mẹ và cậu ngồi hàn huyên chuyện cũ, rồi hai chị em dắt nhau đến thăm một số nhà người quen trước đây của cậu. Họ cũng như cậu, cũng đã ở tuổi xế chiều, cuộc gặp gỡ hẳn có nhiều bất ngờ. Tôi không đi cùng mà ở nhà chuẩn bị mâm cơm thết đãi cậu. Hôm nay tôi chuẩn bị một món đặc biệt: canh đắng.
Tôi lại chỗ cây chân chim trong vườn, chọn những lá bánh tẻ hái xuống. Loại cây này vốn là cây rừng, mọc ở ven suối, ven rừng nhưng vì nó cũng là một loại thảo dược chữa bệnh rất được người Mường ưa chuộng, nên tôi đã mang một cây về trồng ở vườn nhà. Con gà rừng nhốt mấy hôm nay trong chuồng cũng đã làm thịt xong. Thịt gà băm nhỏ cùng với sả rồi ướp với gia vị như mắm tôm, mẻ (thứ gia vị có vị chua gắt và thơm đặc trưng được làm từ cơm nguội), ớt, tiêu… cho ngấm. Phi hành vừa thơm thì đổ bát thịt gà đã ướp vào xào chín, thêm nước vừa đủ dùng. “Ái chà, chỉ cần ngửi mùi thơm là biết ngay cháu tôi đang nấu món canh đắng”, tiếng cậu vọng vào. Tôi quay ra, thấy cậu đang nhìn dải mây trắng trên dãy núi trước nhà, giọng cậu bỗng nhiên trở nên xa vắng: “Đây chính là món ăn mẹ cháu nấu cho cậu trước ngày cậu đi vào Nam lập nghiệp đấy. Bao nhiêu năm trôi qua, vị đăng đắng, ngọt tê nơi cổ họng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí cậu”.
Nhìn nồi canh trên bếp đang sôi, cậu mỉm cười nói tiếp: “Cháu khéo tay như mẹ ấy. Nấu canh đắng chỉ để lửa riu riu cho ngấm gia vị, lửa mà to nồi canh sẽ mất ngon”. Vừa nói, cậu vừa đưa cho tôi bát lá đắng đã băm nhỏ để cho vào nồi, rồi quay sang nhìn mẹ tôi đang đứng bên cạnh, giọng chợt nhỏ lại: “Chúng ta sắp có món ngon rồi, chị thật chiều đứa em này”.
Mẹ tôi cười hiền từ. Mâm cơm dọn ra, toàn những thứ cậu thích. Cậu xuýt xoa khen. Rồi cậu kể, lần ấy nhân có một người bạn từ quê nhà vào, cậu nhờ mang cho nắm lá đắng với chút mẻ để nấu canh. Gà rừng không có chứ những nguyên liệu dùng để nấu canh đắng như lòng heo, lòng bò, hoặc thịt, cá… thì sẵn lắm nên cậu vẫn nấu được. Nhưng sao khi ăn vào lại không cảm nhận được cái ngon như bát canh mẹ tôi nấu năm nào. Có thể vì thiếu cái tiết trời se se lạnh, thiếu chút rượu cay nồng nên canh chưa ngon. Hay tại vì thiếu hơi ấm của tình thân nên bát canh của cậu trở nên khắc khoải?
Tiễn cậu vào Nam, tôi không quên gửi theo bầu đất có cây chân chim nho nhỏ và hũ mẻ. Hy vọng lần này những thứ cậu mang theo sẽ không vì quá nhớ thổ nhưỡng quê nhà mà bị hỏng mất. Để rồi mỗi lần da diết nhớ nhà, cậu chỉ cần ăn một bát canh đắng cũng vơi bớt nhớ thương.