Vi phạm bản quyền trực tuyến: Nghiêm trọng, nhưng ít được quan tâm

Tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến một lần nữa được nhắc đến ở Việt Nam. Không phải vì vấn đề được giải quyết hay giảm thiểu, mà ngược lại, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. 
Nhiều trang web vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang thu hút lượng lớn người xem. Ảnh: BHD
Nhiều trang web vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang thu hút lượng lớn người xem. Ảnh: BHD
Điều đáng nói là dù vi phạm bản quyền qua mạng tăng cao nhưng việc giải quyết, xử lý vẫn còn bị xem nhẹ.

Sách điện tử: Chịu đựng 

Có thể nói, hiếm có ngành kinh doanh nào mà tình trạng vi phạm bản quyền qua mạng lại nghiêm trọng như ngành xuất bản Việt Nam. Vừa qua, đại diện Công ty Sách Thaihabook đã lên tiếng kêu cứu trước tình trạng rất nhiều bản sách dạng điện tử của Thaihabook bị sử dụng tràn lan mà không xin phép, gây thiệt hại nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh chính đáng của đơn vị này. Trước đó, đại diện NXB Phụ nữ cũng từng lên tiếng chỉ đích danh một loạt các trang web xâm phạm bản quyền sách như: 123.org; tailieu.vn; 4slibrary.blogspot.com; sachnoionline.net…

 Trước đó nữa, sự kiện NXB Trẻ phát hiện một cổng thông tin điện tử lớn thản nhiên lấy một tác phẩm do NXB Trẻ giữ bản quyền để chuyển thể qua dạng sách nói, cũng gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói là dù gây ầm ĩ như vậy, nhưng việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền sách qua mạng lại gần như giậm chân tại chỗ. Đại diện một đơn vị xuất bản lớn cho rằng, việc xử lý các trường hợp bị tố cáo vi phạm bản quyền vốn gây tốn thời gian, công sức, tiền bạc, trong khi hiệu quả lại rất thấp, nên hầu hết các đơn vị xuất bản đều né tránh, chịu đựng. Đây không phải là nhận xét mang tính tiêu cực mà là phản ảnh thực tế tình hình chống sách lậu trong nước hiện nay. Câu chuyện cuộc chiến chống sách lậu của Công ty Trí Việt (First News) vẫn được nhắc đến rất nhiều khi trải qua hơn 10 năm, bắt quả tang từ kho sách đến nhà in, đóng xén với số lượng sách lậu lên đến hàng chục ngàn bản, nhưng rồi cuối cùng đâu cũng vào đó. Nhà in, đóng xén không bị buộc tội, với lý do “không biết người đặt hàng”. 

Đối với các đơn vị xuất bản, đến sách giấy lậu, bằng chứng rõ ràng, đầy đủ như thế mà còn không có hiệu quả, huống gì là sách điện tử vốn khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm các bằng chứng cụ thể. 

Phim: Câu chuyện chưa hồi kết

Một con số đầy bất ngờ, theo thống kê từ Kantar Media, trong danh sách các nhà cung cấp dịch vụ dẫn đầu thị trường OTT Việt, tính theo lượng người sử dụng, có 3/6 là website xem phim trực tuyến gồm: HD Viet, Phimmoi.net, Phimbathu. Điều đáng nói là 3 trang web này đã có tên trong danh sách 83 trang web có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình được Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử đăng tải hồi cuối năm 2017. Đầu năm 2018, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, trong chuyến đến Việt Nam, cũng tiết lộ, trang phim lậu lớn nhất thế giới 123Movies (GoMovies) với khoảng 98 triệu lượt xem/tháng trên toàn cầu được điều hành tại Việt Nam. Hai con số trên để dẫn chứng, các web xem phim lậu đang “bành trướng” ở Việt Nam như thế nào.
Vi phạm bản quyền trực tuyến: Nghiêm trọng, nhưng ít được quan tâm ảnh 1 Bộ phim Lật mặt: 3 chàng khuyết vừa ra rạp cũng bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng    Ảnh: ĐPCC
 Để củng cố cho luận điểm trên, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công ty BHD, đưa thêm dẫn chứng, mỗi tháng chỉ có từ 5-10 triệu lượt người xem trên các trang có bản quyền, trong khi con số này trên các web lậu là 150 triệu lượt người. “Với một bộ phim chiếu rạp nước ngoài, chúng tôi phải mất 3 tháng mới có bản quyền để chiếu cho khán giả. Trong khi đó, với các trang web vi phạm, 2 tuần sau khi phim ra rạp đã có bản lậu, 1 tháng sau có bản HD”, bà Hạnh cho biết. 
Còn theo bà Trần Thị Thanh Mai - Tổng Giám đốc Kantar Media: “Người Việt Nam không quan tâm là có bản quyền hay không…”. Trong khi đó, bà Trần Thu Trang - đại diện FPT Play cũng nêu quan điểm: “Người Việt hiện chưa sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ xem phim. Bên cạnh đó, việc thanh toán trực tuyến cũng còn không ít khó khăn”. Hậu quả là, các đơn vị kinh doanh chân chính vừa mất số tiền không nhỏ để có bản quyền, mất thời gian chờ đợi, đóng các loại thuế phí... nhưng số tiền thu về rất ít. Ngược lại, các trang web vi phạm không hề trả tiền bản quyền, nguồn lợi quảng cáo đổ về rất lớn.  Theo thống kê của bà Bích Hạnh, ở nước ngoài, quảng cáo cho các nhãn hàng nổi tiếng xuất hiện trên 28,9% các trang web vi phạm lớn, 17,4% trang web tầm trung và 13,1% các trang web nhỏ. Riêng ở Việt Nam thì ngược lại, phần lớn các quảng cáo xuất hiện trên các trang web vi phạm là quảng cáo của các nhãn hàng chính thống. Xử lý: Tự cứu trước khi luật cứu Theo một thống kê không chính thức từ 5 nhà cung cấp ebook có bản quyền ở Việt Nam hiện này, số ebook Việt Nam có bản quyền chỉ vào khoảng hơn 50.000 tựa. Trong khi đó, số ebook “miễn phí” (chỉ tính bản tiếng Việt) vào khoảng từ 500.000 đến 1 triệu tựa các loại. Tuy luật hiện nay quy định cụ thể hình thức xử phạt vi phạm bản quyền sách, từ sách giấy đến sách điện tử, nhưng việc thực thi gần như bất khả thi. Chẳng hạn như việc quy định đơn vị bị vi phạm khi phát hiện phải tự thu thập chứng cứ, đưa đơn phản ánh tới cơ quan chức năng xử lý, phân tích mức độ vi phạm bản quyền… Hầu hết các đơn vị xuất bản gần như không có khả năng, từ con người, kinh phí đến cả chuyên môn để làm việc này. Mặt khác, nhiều trang web vi phạm sử dụng tên miền có chủ sở hữu thuộc nước ngoài càng khiến việc xử lý trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, vụ việc NXB Trẻ tố Yeah1Network vi phạm bản quyền lại vô tình mở ra một hướng xử lý mới cho tình trạng vi phạm bản quyền trên mạng. Về cơ bản, các trang web vi phạm đều phải thu hút người xem để thu lợi, chính vì vậy, nếu bị phê phán, gây sức ép, tẩy chay…, các trang web này sẽ mau chóng thỏa hiệp, tôn trọng bản quyền. Chính vì vậy, Hội Xuất bản Việt Nam sau đó đã đề xuất các đơn vị xuất bản, làm sách, nếu có phát hiện vi phạm bản quyền, nhanh chóng báo lên hội để hội cùng chung tay tác động, tạo dư luận, gây sức ép về mặt xã hội đến các đơn vị, nhằm tạo hiệu quả nhanh chóng trong việc xử lý vi phạm bản quyền. Ở lĩnh vực phim ảnh, một số đơn vị có tiếng như: VTV, Casbaa, MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ), K+, BHD... chung tay thành lập Liên minh Chủ sở hữu bản quyền Việt Nam, nhưng tình thế chưa có nhiều thay đổi. Hầu hết đều cho rằng, các xử lý về mặt pháp lý còn quá nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe. Theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành - đại diện Isobar Việt Nam: “Thực tế không ai muốn quảng cáo trên các web lậu. Trên thế giới họ biết trang nào đang vi phạm bởi có sự đối thoại rộng rãi. Vấn đề cốt yếu hiện nay là đợi hành lang pháp lý rõ ràng và mạnh tay”. Liên quan đến câu chuyện pháp lý, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT-TT cho biết, phía cơ quan chức năng đã có biện pháp và cơ sở để ngăn chặn hành vi này. Thứ nhất, nếu xác định được các trang web vi phạm sẽ gửi thông báo đến các đơn vị quảng cáo để họ tạm ngưng. Thứ hai, có thể đề nghị các nhà mạng lớn ở Việt Nam không cho thuê hosting... Ông Lâm cho biết, hai vấn đề này chỉ thực hiện được khi có đủ bằng chứng chứng minh trang web đó vi phạm. Chính bởi nút thắt đó nên cho đến nay tình trạng vi phạm vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ; nhiều vụ kiện chưa đi đến hồi kết, còn các đơn vị làm ăn chân chính mỗi ngày vừa phải lo cập nhật nội dung mới phục vụ khán giả, đồng thời tìm mọi cách để tự bảo vệ mình.

Tin cùng chuyên mục