Lách luật trong góp vốn quyền thuê đất
Thực tế kiểm toán thời gian qua đã phát hiện nhiều vấn đề đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Đó là tình trạng doanh nghiệp cố giữ đất để trục lợi từ quyền thuê đất nhà nước hoặc chờ cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi cổ phần hóa, chỉ một số doanh nghiệp nghiêm túc trong việc rà soát phương án sử dụng đất, trả lại đất cho Nhà nước, còn lại phần lớn doanh nghiệp đưa ra phương án sử dụng không phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, mà nếu doanh nghiệp sử dụng đất không đúng, không phù hợp với phương án sắp xếp cổ phần hóa thì phải trả lại đất cho Nhà nước sử dụng mục đích khác. Do vậy, nếu doanh nghiệp sau cổ phần hóa mà sử dụng đất không đúng mục đích theo phương án sử dụng đất sẽ bị thu hồi. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ đất để chờ cơ hội chuyển đổi, kêu gọi đầu tư chứ không phải để sản xuất kinh doanh.
Hình thức “biến tướng” thường xảy ra nhất là tình trạng doanh nghiệp dùng quyền được thuê đất của Nhà nước mang đi góp vốn. Trong khi đó, theo kiểm toán, đối với những vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì đa số quỹ đất của doanh nghiệp cổ phần hóa là đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm, nên theo quy định sẽ không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Thế nhưng, doanh nghiệp thường giữ lại sau đó đi hợp tác liên kết hoặc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp nhà nước thực hiện góp vốn thành lập công ty liên doanh, liên kết để triển khai các dự án bất động sản thì được xem là lách luật. Mặc dù luật hiện hành quy định doanh nghiệp không được dùng đất thuê để góp vốn liên doanh liên kết, nhưng hoạt động này đã biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng, hoặc gọi là thương quyền… nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất. Thậm chí, thời gian góp vốn dài hạn cũng chẳng khác nào bán đất.
Kiến nghị thu hồi tiền cho ngân sách
Thực tế, các đoàn kiểm toán cũng đã phát hiện nguồn thu rất lớn mà các nhà đầu tư trả cho doanh nghiệp dùng đất nhà nước liên doanh liên kết. Hình thức mà các nhà đầu tư chi trả bằng các tên gọi như chi phí hỗ trợ, chi phí di dời, chi phí bồi thường… Mặc dù ai cũng hiểu, bản chất của việc chi trả là giá trị của quyền được thuê đất nhà nước, nhưng được lách luật bằng những tên gọi khác. Có nơi thu đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại không có quy định để xử lý, bởi Luật Đất đai cũng chưa thừa nhận việc quản lý lợi thế quyền thuê đất của Nhà nước. Trong khi mỗi doanh nghiệp hạch toán một kiểu như đưa vào tăng vốn doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, hay có doanh nghiệp đưa vào tăng tài khoản thu về ngân sách nhà nước, doanh nghiệp thì nhập vào khoản thu nhập bất thường của công ty để nộp thuế xong thì chia quỹ…
Kiểm toán Nhà nước cũng xác định, đây chính là tiền lợi thế quyền thuê đất, thuộc lợi ích của Nhà nước nên kiến nghị thu về ngân sách nhà nước. Thế nhưng, một vấn đề đặt ra là nếu sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần rồi doanh nghiệp mới nhận được số tiền này thì sẽ xử lý thế nào để không bị phản ứng của cổ đông?! Kiểm toán Nhà nước cho rằng dù tiền về ở giai đoạn sau, nhưng nguồn gốc lại từ giai đoạn trước, tức là lợi ích của Nhà nước, do công ty cổ phần không tạo ra khoản tiền này thì cũng có cơ sở thu về ngân sách.
Còn với trường hợp doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần, hợp đồng liên doanh đã ký nhưng tiền chưa về, hợp đồng cũng chưa thực hiện, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì đoàn kiểm toán kiến nghị UBND theo dõi xử lý. Riêng trường hợp doanh nghiệp đã được UBND cấp tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng mới chỉ dừng ở chủ trương, chưa chuyển đổi (có trường hợp chủ trương đã có từ nhiều năm trước) thì kiến nghị xem xét lại các chủ trương này để xử lý dứt điểm, tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ nhắm vào giữ đất chứ không thực hiện dự án mà Nhà nước cũng không thu hồi được.