
Cả 2 bàn quan trọng dẫn đến kết quả Thổ Nhĩ Kỳ thắng ngược 3-2 trước đội tuyển CH Séc đều diễn ra khi trận đấu chỉ còn vài phút - kể cả thời gian bù. Thổ Nhĩ Kỳ lọt vào tứ kết không chỉ nhờ trận thắng ấy, mà còn nhờ vào trận thắng Thụy Sĩ trước đó, cũng là chiến thắng được quyết định ở phút 90+2. Đúng vào thời điểm ấy của trận đấu, Tây Ban Nha thắng Thụy Điển 2-1 để sớm lấy vé vào tứ kết. Hà Lan, Bồ Đào Nha… cũng đều có những bàn thắng được ghi ở phút 90, hoặc trong thời gian bù giờ. Tóm lại, vòng bảng của Euro 2008 có rất nhiều bàn thắng muộn.

Pha ghi bàn quyết định ở những phút cuối trận đấu của David Villa (7, TBN) vào lưới đội Thụy Điển, đưa đội nhà vào tứ kết Euro 2008.
Theo tôi, nguyên nhân lớn nhất là do đa số đội bóng (nhất là các đội đang thành công) đều thể hiện ý chí đấu pháp rất rõ ràng. Họ luôn tự tin bám chặt vào đấu pháp đã đề ra và không náo núng khi đấu pháp ấy không sớm đem lại hiệu quả.
Tây Ban Nha trong trận thắng Thụy Điển là một dẫn chứng tiêu biểu. Họ luôn tự tin vào sự vượt trội về kỹ thuật so với đối phương. Khi cách tấn công bằng kỹ thuật, tuy đem lại ưu thế, nhưng không đem lại hiệu quả, TBN càng khai thác ưu thế này.
Cách thay người hợp lý của HLV Luis Aragones chỉ nhằm mục đích tận dụng tối đa ưu thế về kỹ thuật. Ông kéo dãn đội hình để các tiền vệ TBN có thêm khoảng trống xử lý kỹ thuật. Cuối cùng, TBN thành công. Nhiều đội khác cũng rất trung thành với đấu pháp. Italia bất ngờ đá dài, chuyền bổng từ cánh trong trận gặp Rumani. Đấy thật sự là một nét mới, khá thành công. Italia chỉ hòa, chủ yếu vì kém may mắn chứ không phải vì thua về đấu pháp.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự xuất hiện một loạt các bàn thắng muộn là giải này có nhiều cá nhân tỏa sáng vào đúng thời điểm quyết định. David Villa của TBN là một ngôi sao đáng lưu ý, và không phải ngẫu nhiên khi anh ghi được 4 bàn trong 2 trận đầu. Nihat Kahveci của Thổ Nhĩ Kỳ là một dẫn chứng đáng kể khác. Cú sút ấn định chiến thắng 3-2 của Kahveci trong trận gặp CH Séc làm toát lên hình ảnh của một cá nhân quyết định toàn cục, vào đúng thời điểm quan trọng nhất.
Thường thì các bàn thắng muộn xảy ra trong hoàn cảnh cầu thủ phòng ngự xuống sức và mất tập trung trong những phút chót (các trận đấu ở giải vô địch Anh là tiêu biểu). Nhưng tại Euro, tôi không thấy nhiều trường hợp đuối sức. Ngược lại là đằng khác. Chính vì mặt bằng thể lực rất cao nên các đội luôn phòng thủ tốt và mãi đến phút chót người ta mới ghi được bàn thắng quyết định. Nếu có chỗ sa sút vào thời điểm cuối trận thì đấy chỉ là sự sa sút về tâm lý thi đấu, như thủ môn Petr Cech của CH Séc trong trận thua Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng phải tính đến nét mới về mặt đấu pháp tại Euro này: trung phong của các đội thường nhô lên rất cao, tạo thế tranh chấp 5-5 với hậu vệ cuối cùng của đối phương. Khá nhiều đội chơi như vậy, nhưng BĐN là rõ nhất. Ở các tình huống tranh chấp như thế, tiền đạo có thể thua đến 7 lần, nhưng cần thắng 3 lần là họ coi như thành công. Cách chơi như thế đã giúp BĐN ghi bàn vào cuối trận.
K.T (ghi)