Theo quy định hiện hành, chỉ có duy nhất Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) là được quyền mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Theo ý kiến của những chuyên gia chứng khoán và rất nhiều giảng viên các trường khối tài chính-ngân hàng, đây là một sự “độc quyền”, ngăn cản sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng, tình hình kinh tế đất nước nói chung.
Giáo sư của một trường đại học tại TPHCM nhận định rằng, việc nhà nước chỉ giao quyền hạn cho UBCKNN cấp chứng chỉ không những làm cho tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực mà còn có thể đẩy thị trường chứng khoán đến nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi mà các nhà đầu tư cá nhân, lẫn nhân viên các công ty chứng khoán chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức, nghiệp vụ đến thị trường.
Dạo quanh các lớp đào tạo nghiệp vụ chứng khoán tại TPHCM, người ta dễ dàng nhận ra sự quá tải, khi mà số lượng học viên theo học gia tăng một cách đột biến.
Vì sao việc đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ là “độc quyền” của UBCKNN, trong khi các cơ sở đào tạo khác, nhất là các trường đại học kinh tế, ngân hàng có thể đáp ứng được tốt hơn? Ngoài cơ sở vật chất có sẵn, quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên (thực chất các lớp đào tạo của UBCKNN phần lớn cũng mời từ các trường này), cũng như uy tín của các trường họ đều có thể đáp ứng được.
Thực ra chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ là một giấy “thông hành” để tham gia thị trường chứng khoán. Việc “độc quyền” nói trên cộng với khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế còn nhiều hạn chế về đào tạo và cấp chứng chỉ như hiện nay của UBCKNN có ảnh hưởng không nhỏ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
NGỌC LỮ