Vì sao Người Băng “thọ” đến 5.300 năm?

Vì sao Người Băng “thọ” đến 5.300 năm?

Tuần này, các nhà khoa học Đức và Italia vừa công bố nghiên cứu giải mã vì sao xác ướp nổi tiếng Iceman (Người Băng) được bảo quản hoàn hảo đến 5.300 năm.

Xác ướp tự nhiên cổ nhất châu Âu này được người leo núi phát hiện năm 1991 trong một sông băng ở Otzal Alps, giữa Italia và Áo.

Iceman được bảo quản tốt đến mức lúc đầu người ta cho là xác người hiện đại. Sau đó, các nhà khoa học nhận ra rằng đó là một người đàn ông khoảng 45 tuổi, có thể là người chăn cừu, sống trong thời đại đồ đồng.

Iceman có thể chết do một mũi tên bắn trúng dưới xương bả vai trái, gây chảy máu nghiêm trọng. Ông cũng có vết thương do bị đâm ở bàn tay phải và vết bầm tím do bị đánh ở đầu.

Các nhà khoa học nghiên cứu Iceman. (Ảnh: ANTHROPOLOGY.NET)

Các nhà khoa học nghiên cứu Iceman. (Ảnh: ANTHROPOLOGY.NET)

Kể từ khi phát hiện Iceman, các khảo sát bằng kính hiển vi quang học và điện tử cho thấy, trong khi biểu bì (lớp ngoài của da) biến mất, lớp collagen của da còn lại là vô cùng bền. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ vì sao da Iceman được bảo quản cực tốt như vậy.

Trong nghiên cứu mới đây, sử dụng thiết bị hiện đại là kính hiển vi nguyên tử (AFM) và quang phổ Raman, cho phép khảo sát cấu trúc nano và cấu trúc phân tử collagen của da, các nhà khoa học Đức và Italia đã phát hiện cấu trúc cơ bản của mẫu da Iceman phần lớn không thay đổi gì so với mẫu da của người hiện đại, do đó có khả năng duy trì chức năng bảo vệ. Cả hai mẫu có cấu trúc nano đặc trưng của sợi collagen. Các phân tích quang phổ Raman cho thấy cấu trúc phân tử của da Iceman phần lớn không thay đổi.

Tuy nhiên, bằng cách tiến hành các thí nghiệm nano AFM, các nhà khoa học nhận thấy da Iceman ít đàn hồi hơn và cứng hơn da người hiện đại. Họ giải thích, có thể là collagen của da Iceman bị khử nước qua quá trình đông lạnh khô. Da bị mất nước làm các cấu trúc sợi bị nén chặt, dẫn đến việc tạo thêm các liên kết chéo giữa các sợi nhỏ. Bằng cách này, da bị mất nước có thể duy trì chức năng bảo vệ, ngăn ngừa sự phân hủy mô.

Hình ảnh tái tạo của Iceman. (Ảnh: ARCHAEOLOGIEMUSEUM.IT)

Hình ảnh tái tạo của Iceman. (Ảnh: ARCHAEOLOGIEMUSEUM.IT)

Đồng tác giả công trình nghiên cứu, Marek Janko thuộc Đại học Ludwig Maximilians (LMU) Munich và Học viện Bolzano châu Âu (EURAC), nói với PhysOrg.com: “Phát hiện quan trọng nhất là collagen loại I trong da Iceman đã duy trì được cấu trúc và chức năng bảo vệ của nó (chống những tác động từ bên ngoài như tia cực tím, đóng băng-rã đông, vi sinh vật...), cho phép bảo quản mô liên tục trong 5.300 năm. Phát hiện này, qua phân tích cấu trúc collagen và đặc tính cơ học đã cho thấy rõ sự quan trọng của các yếu tố cơ học trong quá trình ướp xác, mở rộng các nghiên cứu trước đây về Iceman”.

Nhìn chung, phát hiện mới hỗ trợ giả thuyết rằng Iceman được tuyết và băng bao phủ ngay sau khi chết và phần lớn thời gian 5.300 năm qua Iceman được đông lạnh liên tục.

Theo Robert Stark, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cũng từ LMU Munich, cho biết: “Thông thường, xác ướp là di sản văn hóa vô giá vì cho chúng ta biết rất nhiều về cuộc sống và cái chết trong những thời đại trước. Có nhiều cách khác nhau để ướp xác, ví dụ những cách của người Ai Cập cổ, những cách được sử dụng để bảo tồn Rosalia Lombardo (được coi là một trong những xác ướp xinh đẹp nhất) hoặc Iceman này”.

Trân Nguyên

Tin cùng chuyên mục