Hình ảnh đứa trẻ tên N. (quê Hải Dương) phải đeo biển “Tôi là thằng ăn cắp” đứng trên đường phố ở quận Tân Bình (TPHCM) cách nay gần 3 năm khiến mỗi người qua lại không khỏi xót xa, lo lắng. Rồi mới đây một học sinh tên S. ở huyện Chư Sê (Gia Lai) bị trói chặt vào lan can và phải đeo tấm biển: “Tôi là người ăn trộm” làm cho ai nhìn vào cũng không khỏi chạnh lòng về một cách đối xử phản cảm.
Dường như dư luận quan tâm nhiều hơn đến cách ứng xử của người lớn chứ ít trách cứ gì đến lỗi lầm của đứa trẻ. Sự phản cảm đó làm dư luận bất bình trước thái độ của người lớn cũng như trách nhiệm của xã hội với trẻ em hiện nay. Dường như với người lớn, mỗi khi nhìn thấy trẻ phạm lỗi chỉ biết quát tháo, đánh đập, bêu xấu làm cho trẻ xấu hổ để từ bỏ mà họ ít quan tâm đến đâu là động cơ làm nảy sinh hành vi này và có cách ứng xử nhân văn để giáo dục trẻ.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc trẻ có hành vi ăn cắp. Song người lớn cần hiểu rằng, ở mỗi lứa tuổi với sự khác nhau của đặc điểm tâm – sinh lý, nguyên nhân dẫn tới hành vi trên là hoàn toàn khác nhau.
Nếu như hành vi lấy đồ của bạn ở tuổi mầm non mang đặc tính riêng và hành vi đó không gọi là ăn cắp. Hành vi có thể nảy sinh do mong muốn mãnh liệt muốn sở hữu một đồ vật (chủ yếu là đồ chơi), muốn thu hút sự chú ý của các bạn khi mình là chủ sở hữu của một đồ vật.
Còn trẻ ở lứa tuổi đầu bậc tiểu học là đã ý thức được vị trí của mình trong nhóm bạn và khi muốn trẻ có thể đạt được mục đích bằng những phương pháp khác nhau. Khi đứa trẻ muốn khẳng định vị thế của mình để lấy lòng mọi người trong nhóm bạn cùng trang lứa, nó buộc phải vào vườn cây của hàng xóm để hái trộm quả đãi các bạn. Bằng cách này, đứa trẻ vừa thu hút được sự chú ý cũng như sự nể trọng của nhóm bạn. Trong trường hợp suy nghĩ và hành động một cách “ngây ngô” này, người lớn cần trao đổi và chỉ rõ cho trẻ thấy mặt xấu của việc trộm cắp cũng như về khái niệm sở hữu.
Khi trẻ bước sang đầu tuổi mới lớn, hành vi ăn cắp đi đôi với sự phát triển chưa đầy đủ về mặt tâm sinh lý: Ở lứa tuổi này các em nặng về đòi hỏi “muốn sao được vậy” và khó có thể nói không với bản thân. Vì vậy, các em đã nhận biết được ăn cắp là hành vi xấu, nhưng trẻ không đủ sức cưỡng lại sự cám dỗ và sự mong muốn sở hữu tài sản của người khác. Khi trẻ bị kích thích mang lại sự ham muốn thì lý trí chưa đủ mạnh để kiềm chế những cám dỗ do dục vọng và dễ nảy sinh những hành vi mang tính “tùy tiện” không kiểm soát được.
Vì thế, đối với 2 trường hợp như cậu bé N. quê ở Hải Dương hay là học sinh S. (Gia Lai), cách trừng phạt của người lớn thật phản tác dụng giáo dục, làm cho các em thêm mặc cảm, xa lánh cuộc sống vì mọi người cho mình là xấu. Hãy đừng tô đen bức tranh hiện thực, nếu không hành vi xấu của trẻ với thời gian có thể biến thành cá tính. Cách trừng phạt đó vô hình trung đã để lại một vết đen trong cuộc đời đứa trẻ.
Lẽ ra các em cần phải được uốn nắn, sửa chữa để bản thân nhận ra lỗi sai trái của mình, sau đó khắc phục. Còn đối với những người tại siêu thị Vĩ Yên lẽ ra khi phát hiện hành vi này, họ nên thống nhất cách giải quyết. Thậm chí, khi biết được trường hợp học sinh S. do ham đọc sách mà lấy đi 2 cuốn truyện đó thì đại diện của siêu thị nên nhắc nhở và phê bình cháu S. không nên vì thiếu tiền mà trộm cắp đồ vật của người khác để giáo dục cháu. Rồi để S. ghi nhớ và không lặp lại hành vi xấu này.
Do đó, trong ứng xử với trẻ khi chúng có dấu hiệu của hành vi trộm cắp, điều đầu tiên người lớn cần làm ngay là tìm hiểu nguyên nhân gây ra hành vi của trẻ, từ đó hợp tác cùng tháo gỡ. Mọi sự vội vàng, hấp tấp của người lớn đối với trẻ đều có thể gây tổn thương đến nhân cách các em sau này.
PHƯƠNG LAN (Biên Hòa, Đồng Nai)