Đó là câu hỏi đầy trăn trở của một hiệu trưởng trường THPT khi tham dự tiết học tiếng Anh thực hành do thầy giáo nước ngoài phụ trách. Tuy mỗi tuần chỉ được học 2 giờ với thầy giáo nước ngoài nhưng học trò nào cũng cảm thấy thú vị bởi phong cách dạy học mới, thầy và trò không có khoảng cách - thoải mái trao đổi, đặt câu hỏi về các vấn đề cùng quan tâm. Ngay cả học sinh ngại giao tiếp cũng được thầy giáo chú ý và gợi ý nói những câu đơn giản để có cơ hội thực hành tiếng Anh tốt hơn. Tiếc là thời gian thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ với thầy nước ngoài hơi ít, nhiều trò “thèm thuồng” được học thêm.
Qua tìm hiểu và lắng nghe tâm sự của học trò, vị hiệu trưởng càng nặng trĩu nỗi buồn bởi học sinh thẳng thắn nhận xét một số thầy cô lớn tuổi trong trường thiếu kỹ năng sư phạm, mặt mày nghiêm nghị, ít khi cười và không nói vui trong giờ giảng. Đó là chưa kể, nhiều thầy cô còn thể hiện uy quyền, tạo ra khoảng cách khó gần và áp đặt suy nghĩ của mình lên học sinh…Vì thế tiết học luôn nặng nề do phải tiếp thu kiến thức một chiều, ít có cơ hội tương tác, phản biện giữa thầy và trò. Dù thấu hiểu nỗi niềm của học sinh khi phải học với một bộ phận thầy cô chậm đổi mới phương pháp dạy học nhưng vị hiệu trưởng cũng lắc đầu: “Không dễ thay đổi nhận thức của họ vì hơn một nửa giáo viên trong trường đều lớn tuổi, ngại đổi mới và chậm thích nghi với công nghệ, với đòi hỏi phải bổ sung kỹ năng sư phạm tiên tiến ở thế kỷ 21…”.
Mặc dù ngành giáo dục đào tạo hô hào đổi mới giáo dục, trong đó giáo viên chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm nhưng chưa có nhiều trường, nhiều giáo viên làm được điều này. Viện dẫn lý do chương trình nặng, thiếu thời gian giảng bài nên họ chỉ có thể truyền đạt hết nội dung, kiến thức theo yêu cầu chung. Do thầy cô duy trì lối dạy truyền thống, coi sách giáo khoa là “pháp lệnh”, nên không ít học sinh cảm thấy áp lực học hành, thi cử nặng nề. Khi bị nhồi nhét kiến thức một chiều, ít có điều kiện tương tác với thầy, học trò không còn hào hứng với những giờ lên lớp. Vậy ai là thủ phạm gián tiếp giết chết “đam mê, hứng thú” học hành của học sinh?
Nếu đội ngũ giáo viên - những người kiến tạo kiến thức cho học sinh vẫn chưa chuyển đổi nhận thức, tư duy, chủ động thổi hồn vào từng bài giảng thì làm sao đạt được mong muốn cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới, ngành GD-ĐT phải chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực sư phạm đạt chuẩn và sắp xếp lại số giáo viên ở các cấp học không đạt yêu cầu về năng lực, kỹ năng sư phạm, thậm chí thiếu chuẩn, không thích ứng với đổi mới giáo dục. Nếu thực sự vì mục tiêu đổi mới giáo dục thì cũng nên cho những đối tượng này nghỉ dạy và có chính sách hỗ trợ để họ tìm công việc khác phù hợp hơn.
MINH SANG