Đó là những khó khăn đang xảy ra trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở TPHCM. Việc này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt do mức trợ giá thấp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (TTQLGTCC) thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM.
- PHÓNG VIÊN: Ông có thể khái quát đôi nét về tình hình hoạt động của địa hạt xe buýt TPHCM trong thời gian qua?
>> Ông TRẦN CHÍ TRUNG: Thời gian qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở GTVT TPHCM đã tham mưu và triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ để củng cố và tiến tới phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng ngày càng văn minh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, đã tổ chức mở mới nhiều tuyến xe buýt đến các huyện ngoại thành và đô thị vệ tinh, bảo đảm việc kết nối giữa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nhà ga, cảng hàng không. Triển khai đầu tư 1.162 xe buýt mới thay thế xe buýt cũ, trong đó có 352 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG. Đầu tư, đưa vào hoạt động trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi phục vụ cho 33 tuyến xe buýt đi qua, có trang bị hệ thống kết nối internet phục vụ hành khách tra cứu trực tuyến. Triển khai phương án nhận diện mới cho hệ thống xe buýt thành phố với màu xanh đặc trưng và thay đổi thông tin bên trong và bên ngoài xe buýt, gắn với việc sử dụng các thiết bị điện tử bằng đèn LED và hệ thống rao trạm tự động để hành khách nhận biết dễ dàng. Triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống máy bán vé in trực tiếp trên xe buýt và truyền dữ liệu trực tiếp về đơn vị quản lý và TTQLGTCC để phối hợp giám sát; nhờ đó, dần cải thiện tình hình vận tải hành khách công cộng. 6 tháng đầu năm nay, số lượng vận tải công cộng đạt 317,8 triệu lượt hành khách, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 50% kế hoạch đề ra cho cả năm 2018.
- Chúng tôi được biết, Hiệp hội Xe buýt TPHCM đang có nhiều bức xúc liên quan đến vấn đề trợ giá xe buýt, cũng như gần đây xảy ra tình trạng một số xe buýt bỏ chuyến. Ông có thể giải thích rõ vấn đề này?
Một trong những nét đặc thù của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM, đó là được trợ giá từ nguồn ngân sách. Mục đích của việc trợ giá nhằm kéo giảm giá vé xe buýt, qua đó thu hút người dân đến với giao thông công cộng. Trên thực tế, việc bố trí kinh phí trợ giá cho hoạt động xe buýt những năm qua có xu hướng giảm dần, nhiều giai đoạn tỷ lệ trợ giá/chi phí dưới 40% so với nhu cầu. Cụ thể, tỷ lệ trợ giá/chi phí của năm 2013 là 42,2%, năm 2014 giảm còn 41,7%, năm 2015 (34,3%), năm 2016 (38,6%), năm 2017 tăng lên 40,1% do tiền lương và giá nhiên liệu tăng. Năm 2018, kinh phí trợ giá xe buýt được bố trí 1.000 tỷ đồng, bằng với năm 2017. Với kinh phí trợ giá nêu trên, những năm gần đây, việc ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải phải trải qua nhiều lần thương thảo, làm kéo dài thời gian ký hợp đồng đặt hàng; từ đó, tác động không nhỏ đến chất lượng dịch vụ xe buýt trong thời gian chưa ký hợp đồng chính thức và khi ký hợp đồng với mức trợ giá thấp so với thực tế hoạt động, đã xảy ra trường hợp thường xuyên bỏ chuyến do đơn vị vận tải không đảm bảo chi phí hoạt động, như đã xảy ra với các tuyến xe buýt số 10 Đại học Quốc gia - Bến xe miền Tây, tuyến số 18 Bến Thành - chợ Hiệp Thành, tuyến số 40 Bến xe miền Đông - Bến xe ngã tư Ga, tuyến số 43 Bến xe miền Đông - phà Cát Lái, tuyến số 44 Cảng quận 4 - Bình Quới, tuyến số 54 Bến xe miền Đông - Bến xe Chợ Lớn, tuyến số 65 Bến Thành - Bến xe An Sương, tuyến số 78 Thới An - Hóc Môn… Gần đây hơn, tuyến xe buýt có trợ giá số 51 Bến xe miền Đông - Bình Hưng Hòa đã bỏ chuyến hàng loạt trong các ngày 10 và 11-7. Việc bỏ chuyến như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ chung của ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đầu tháng 4-2018, Hiệp hội Xe buýt TPHCM có gửi công văn đến UBND TPHCM kiến nghị về những bức xúc liên quan đến việc trợ giá xe buýt và UBND TP đã giao Sở GTVT TP chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xem xét nội dung kiến nghị của Hiệp hội Xe buýt TPHCM.
- Theo ông, đâu là giải pháp để tháo gỡ khó khăn này?
Như đã biết, kinh phí trợ giá xe buýt được bố trí năm nay là 1.000 tỷ đồng và trong điều kiện các đơn vị vận tải đã thực hiện việc đầu tư thay thế xe buýt mới, cũng như giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng từ đầu năm 2018 đến nay, nên việc phê duyệt và thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải rất khó khăn. Trước tình hình này, Sở GTVT đã có Công văn số 7397/SGTVT-TC ngày 25-6-2018 báo cáo kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT được cân đối dự toán chi ngân sách Nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt đã giao năm 2018 để phê duyệt dự toán đặt hàng năm 2018 và chỉ đạo TTQLGTCC tiến hành thương thảo, ký hợp đồng và thanh toán kinh phí trợ giá cho các đơn vị vận tải nhằm đảm bảo ổn định hoạt động trên các tuyến xe buýt, phục vụ việc đi lại của người dân được liên tục. Sở GTVT cũng kiến nghị chính quyền thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT thẩm định, trình UBND TP xem xét, bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018 lĩnh vực trợ giá xe buýt khoảng 330 tỷ đồng. Vừa qua, lãnh đạo UBND TPHCM đã giao Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND TP về kiến nghị này của Sở GTVT.
Trong khi chờ đợi, tình hình hoạt động của các đơn vị vận tải xe buýt vẫn gặp khó khăn vì chưa được thanh toán khối lượng hoạt động đã thực hiện từ đầu năm 2018 đến nay do chưa có cơ sở ký hợp đồng đặt hàng; đặc biệt đối với các tuyến đã thực hiện việc đầu tư thay thế xe buýt mới theo chủ trương của thành phố tại Quyết định số 2545/QĐ-UBND ngày 23-5-2014 và Quyết định số 4456/QĐ-UBND ngày 26-8-2016 của UBND TPHCM về phê duyệt Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017.
Xe buýt cần hỗ trợ Sơn Lam |