Các tháng đầu năm 2020, “vùng trũng” ĐBSCL nổi lên như một hiện tượng khi Bạc Liêu trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI. Dự án đầu tư Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (nhà đầu tư Singapore) có vốn tới 4 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước, xếp trên TPHCM (tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD), Hà Nội (2,92 tỷ USD) và các tỉnh trọng điểm thu hút FDI như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…
Tính đến nay, ĐBSCL có 1.786 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,821 tỷ USD. Trong đó, Long An dẫn đầu với 1.229 dự án, vốn đăng ký 8,32 tỷ USD; Kiên Giang đứng thứ 2 với 61 dự án, hơn 4,8 tỷ USD; Bạc Liêu từ tỉnh có thứ hạng thấp đã vươn lên thứ 3 trong vùng với hơn 4,55 tỷ USD. Một số tỉnh khó khăn như Trà Vinh cũng thu hút vốn FDI đạt 3,36 tỷ USD, Bến Tre đạt hơn 1 tỷ USD...
Tuy xét về tổng thể, thu hút vốn FDI toàn vùng ĐBSCL vẫn xếp thứ 4/6 vùng kinh tế, tổng số dự án chiếm 5,46%, tổng vốn đầu tư chiếm gần 7,3% cả nước. Song, khi so với nhiều năm qua chỉ ở mức trên dưới 4% thì đây là nỗ lực đáng ghi nhận. Cùng với xu thế mới, cho phép ĐBSCL xác lập vị thế mới, tránh thu hút FDI bằng mọi giá gây ra những hệ lụy về môi trường. Đã đến lúc vùng ĐBSCL “có quyền” chọn lựa nhà đầu tư, cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng bài toán “chi phí và lợi ích”.
Việc thu hút dự án đầu tư FDI lớn nhất nước như Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được xem là kết quả “tư duy lại” và lựa chọn đầu tư. Tỉnh này đã kiên trì đề xuất Trung ương hủy bỏ chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện than Cái Cùng có khả năng gây tổn hại môi trường, tác động tiêu cực đến các ngành thủy sản và các hệ lụy khác để phát triển nguồn năng lượng sạch. Tương tự, phần lớn các tỉnh đều đặt mục tiêu nâng cao chất lượng vốn đầu tư. Nếu như trước đây thu hút đầu tư trọng tâm để lấp đầy các khu công nghiệp đã quy hoạch thì nay tư duy mời gọi đầu tư đã khác. Các địa phương có cách làm mới để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung thu hút những dự án khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương, của vùng. Để việc thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, nhất là các lĩnh vực nhằm phát huy lợi thế nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến; các ngành nghề mới để thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng công nghệ nhiều hơn thì ĐBSCL cần tiếp tục thay đổi cách làm mới, năng động hơn, môi trường đầu tư hấp dẫn hơn...
Nông nghiệp là thế mạnh của vùng nhưng không phải là ngành “dễ ăn”, không thể kiếm tiền được từ lĩnh vực này nếu làm ăn không chuyên nghiệp và nghiêm túc. Việc thu hút vốn ngoại nhiều hơn vào nông nghiệp cần được tiến hành đồng thời với thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn. Cần liên kết đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, lao động nông nghiệp có trình độ cao, phù hợp với yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng cần nâng cao năng lực để hợp tác dài hạn với doanh nghiệp ngoại.
Tư duy về lợi thế của ĐBSCL cần được thể hiện trong chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, ranh giới huyện như vừa qua. Phía sau các hội nghị xúc tiến đầu tư và điểm sáng PCI liên tục được các tỉnh ĐBSCL cải thiện tích cực, cộng với việc liên kết, hợp tác hiệu quả… là cơ sở để ĐBSCL xác lập “vị thế mới” chọn lựa nhà đầu tư hiệu quả.