Vì vàng, băm nát sông Đakrông

Chỉ trong 1 tháng, Công ty TNHH Xây dựng số 9 đã dùng máy móc đào bới, băm nát cả một đoạn sông Đakrông đi qua địa bàn xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Việc khai thác vàng liên tục từ sáng đến đêm với khối lượng lớn đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Vì vàng, băm nát sông Đakrông

Chỉ trong 1 tháng, Công ty TNHH Xây dựng số 9 đã dùng máy móc đào bới, băm nát cả một đoạn sông Đakrông đi qua địa bàn xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Việc khai thác vàng liên tục từ sáng đến đêm với khối lượng lớn đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Dân chặn không cho khai thác vàng

Ngày 13-12, hàng chục hộ dân Vân Kiều ở thôn Húc Nghì đã kéo ra dòng sông Đakrông ngăn chặn việc khai thác vàng trên sông qua địa bàn. Trước sự việc trên, Công ty TNHH Xây dựng số 9 phải cho hàng chục công nhân cùng 7 máy xúc tạm ngừng khai thác để giải quyết rắc rối.

Ông Hồ Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, cho biết: “Từ ngày 7-11 đơn vị này bắt đầu khai thác vàng trên sông Đakrông tại thôn Húc Nghì. Sau khi khai thác được một thời gian thì người dân phản đối. Đến ngày 13-12, người dân tập trung ngăn chặn không cho khai thác với lý do là do công ty này đã khai thác 20 ngày mới tổ chức họp dân. Và đơn vị này khai thác vàng trên sông một cách ồ ạt khiến môi trường ô nhiễm, nguồn nước sông không sử dụng được, cá trên sông bị nhiễm dầu do các máy khai thác thải ra. Việc dùng máy khai thác liên tục từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm khiến người dân không chịu nổi.”

Ông Hồ Văn Liên, một người dân ở thôn Húc Nghì, cho hay: “Ở xã Húc Nghì có 291 hộ dân, trong đó hơn 50% hộ nghèo, nguồn sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào nương rẫy, nên việc đãi vàng sa khoáng bằng thủ công trong mùa nông nhàn góp phần tăng thêm thu nhập. Vậy nhưng việc khai thác vàng của người dân bị UBND dân xã Húc Nghì đình chỉ không cho khai thác.

Hơn nữa, sau khi khai thác, công ty này không những không tận thu cát sỏi mà còn tạo nên những đống đất đá cao hơn mái nhà nằm ngổn ngang giữa dòng sông. Ngoài ra, khi đơn vị này vào khai thác trên địa bàn có hứa hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, hộ chính sách. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa thấy đơn vị này hỗ trợ gì...”. 

Băm nát sông Đakrông

Khi có mặt tại điểm khai thác vàng của Công ty TNHH Xây dựng số 9 trên sông Đakrông ở xã Húc Nghì, chúng tôi đã chứng kiến cảnh ngổn ngang của đoạn sông này. Cả một đoạn sông dài bị băm nát bởi những phương tiện cơ giới hiện đại. Hàng ngàn đống đất đá cao ngất (ảnh) cùng những hầm hố án ngữ giữa dòng sông. Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Húc Nghì, thường bị nước sông khoét sâu vào chân đường gây sạt lở hàng năm, nay lại có nguy cơ ảnh hưởng nặng do khai thác vàng gây ra.

Về vấn đề này, ông Hồ Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, cho hay: “Khi được cấp phép khai thác vàng và tận thu cát sỏi ở lòng sông Đakrông qua địa bàn xã, công ty này chỉ được phép dùng 2 máy múc để khai thác, với khối lượng 30.000m3/năm. Nhưng trong thực tế, công ty này dùng đến 7 máy múc (dùng đổ vào máng lọc vàng). Và do không có đơn vị thẩm định khối lượng khai thác nên công ty này khai thác ồ ạt, chưa hoàn trả kịp mặt bằng.”

Ông Lê Phước Chưởng, Phó trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Đakrông, cho biết: “Công ty TNHH Xây dựng số 9 đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép khai thác vàng sa khoáng và tận thu cát, sỏi ở lòng sông Đakrông tại xã Húc Nghì, Tà Rụt, Ango trên chiều dài 20km. Tuy nhiên, qua một thời gian khai thác tại xã Húc Nghì, người dân địa phương đã phản đối nên chính quyền, ngành chức năng địa phương đã yêu cầu phía công ty tạm thời ngưng hoạt động.

Ngoài ra, công ty còn thiếu một số thủ tục cần thiết để tổ chức khai thác theo đúng pháp luật; đưa số lượng máy móc (máy xúc) vào hiện trường khai thác vượt gấp hơn 3 lần so với quy định; chưa nộp các khoản lệ phí, chưa hỗ trợ vật chất cho người dân theo các cam kết ban đầu”.

Trong khi đó, ông Trương Đức Hai, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng số 9 cho rằng nguyên nhân công ty của ông bị người dân chặn không cho khai thác vàng là do Chủ tịch UBND xã Húc Nghì chậm triển khai họp dân. Theo ông Hai, khu vực sông này đang được quy hoạch dự án thủy điện Đakrông 1 đến năm 2015, nên đơn vị tiến hành khai thác nhanh bằng hình thức cuốn chiếu!

Rõ ràng, việc khai thác ồ ạt của Công ty TNHH Xây dựng số 9 đã gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước, thiếu giải pháp phục nguyên và chưa phù hợp với lòng dân…

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục