
Vỉa hè tại TPHCM không đồng bộ và phần lớn đã xuống cấp trầm trọng. Việc “thay áo” mới cho vỉa hè là một vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này, còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề.
Thiết kế mẫu vỉa hè: bao giờ?

Một đoạn vỉa hè trên đường Đồng Khởi có thiết kế rãnh dành cho người khuyết tật. Ảnh: Hoàng Anh Thư
Để chỉnh trang hoặc đầu tư mới vỉa hè, bắt buộc phải có thiết kế mẫu vỉa hè để áp dụng thống nhất cho toàn TPHCM.
Tại cuộc họp mới đây với các sở - ngành chức năng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở GTCC: Chậm nhất cuối tháng 5-2008, sở phải trình thiết kế mẫu vỉa hè để lãnh đạo TP xem xét.
Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, Sở GTCC cho rằng, thiết kế mẫu vỉa hè cho TP đã cơ bản hoàn tất nhưng còn phải chờ các quận – huyện đóng góp ý kiến. So với thiết kế mẫu vỉa hè cũ, thiết kế mới hướng dẫn chi tiết hơn: loại vỉa hè rộng bao nhiêu sẽ dùng loại gạch gì, làm bó vỉa gì với độ cao bao nhiêu, vật liệu nào, kết cấu giải pháp thi công ra sao…
Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ, đối với những tuyến đường liên quận, Sở GTCC sẽ định hướng để các địa phương thống nhất trong việc lựa chọn loại gạch sử dụng, cao độ công trình… cho thống nhất, nhằm tránh tình trạng trên cùng một tuyến đường nhưng khi qua 2 địa bàn quận thì mỗi quận làm mỗi kiểu như trước đây.
Tuy nhiên, dù thiết kế mẫu vỉa hè như thế nào thì yêu cầu đặt ra đối với vỉa hè vẫn phải tập trung vào 2 yếu tố: mỹ quan đô thị và sự tiện dụng. Để đạt tính mỹ quan thì vỉa hè phải đồng bộ, ít nhất là đồng bộ theo từng khu vực (trung tâm, quận ven đô, vỉa hè xa lộ, tỉnh lộ…). Riêng các trục đường chính cần phải có mẫu thiết kế riêng.
Đặc biệt, việc thiết kế bó vỉa theo kiểu vuông góc 90 độ so với mặt đường (dù góc của bó vỉa cong hay vuông) đều không phù hợp với đặc điểm đô thị TPHCM vì hầu hết người dân TP sử dụng xe gắn máy và nhà ở mặt tiền đường đều là cửa hàng buôn bán nên xe máy lên xuống thường xuyên.
Việc thiết kế vỉa hè thoai thoải để ngay cả người tàn tật, khiếm thị cũng sử dụng dễ dàng; đồng thời việc thoát nước, làm vệ sinh… cũng tiện lợi hơn là điều mà mẫu thiết kế nên tính toán cụ thể.
Thi công: Thiếu chuyên nghiệp
Giả sử TP đã có thiết kế mẫu vỉa hè hoàn chỉnh thì việc làm vỉa hè hiện nay cũng khó có thể đạt yêu cầu cao do thiếu đơn vị thi công chuyên nghiệp. Qua trao đổi với một số quận – huyện, được biết việc chọn thầu thi công vỉa hè hiện nay chủ yếu là lựa chọn giữa các đơn vị xây dựng dân dụng vì TP chưa có đơn vị thi công vỉa hè chuyên nghiệp.
Trong khi đó, việc thi công vỉa hè không phải chỉ cần đổ cát, lát gạch là xong. Nhiều vỉa hè trung tâm, trục đường chính đòi hỏi người thi công phải có tay nghề cao, có chuyên môn mới làm đẹp và đạt yêu cầu kỹ thuật.
Mặt khác, có những vỉa hè đơn giá thi công nhỏ chỉ vài ba trăm triệu đồng nhưng đơn vị dự thầu phải làm thủ tục đến 8, 9 bộ hồ sơ khiến việc tìm kiếm đơn vị thi công không dễ.
Thời gian qua, một số quận phân cấp về cho phường đầu tư những vỉa hè có đơn giá thấp nhưng có một số phường không đủ năng lực để xem xét, thẩm định công việc này. Mô hình quận – huyện vừa quản lý vừa đầu tư vỉa hè xem ra cũng không phù hợp và thiếu chuyên nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng TP nên lập một vài đơn vị thi công vỉa hè mang tính chuyên nghiệp cao vì nhu cầu chỉnh trang, đầu tư vỉa hè hiện nay rất lớn. Có như vậy, việc thi công vỉa hè mới đồng bộ, chuyên nghiệp. Đơn vị này về lâu dài sẽ đảm nhiệm luôn chức năng duy tu, bảo dưỡng vỉa hè trên toàn TP. UBND các quận – huyện chỉ nên dừng lại ở việc quản lý và giám sát – nếu cần - khi xây dựng, duy tu, bảo quản vỉa hè.
Xã hội hóa đầu tư vỉa hè như thế nào?
Cuối cùng, để giải quyết bài toán đầu tư chỉnh trang vỉa hè, phải giải quyết được bài toán về kinh phí.
Sau khi được TP phân cấp quản lý đường, vỉa hè, bắt đầu từ năm 2003, hàng năm mỗi quận – huyện được TP “rót” 500 triệu đồng từ ngân sách để dặm vá đường, chỉnh trang vỉa hè.
Theo các quận – huyện, số tiền này không đủ để vá “ổ gà”! Thời gian qua, các quận – huyện thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư vỉa hè bằng cách kêu gọi người dân có nhà mặt tiền đường cùng đóng góp với nhà nước. Nhưng thực tế, chỉ có vài địa phương làm được điều này nên chưa mang lại hiệu quả đồng bộ.
Theo chúng tôi, việc xã hội hóa theo kiểu này chưa ổn, vì chỉ thực hiện được ở những nơi có khu dân cư, còn những khu vực cơ quan hành chính, trường học, công viên… thì làm thế nào? Đó là chưa kể, đối với những trục đường chính, tuyến đường trung tâm, kinh phí đầu tư vỉa hè không nhỏ. Liệu có thể kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư làm vỉa hè và sau đó, cho phép họ khai thác, sử dụng một phần vỉa hè dựa trên các quy định chặt chẽ của chính quyền về trật tự lòng lề đường hay không? Cũng không nên quy định mức đóng góp của người dân cho việc làm vỉa hè là bao nhiêu và cũng không nên đặt nặng khoản thu này bởi người dân dễ có tâm lý “tôi bỏ tiền ra làm vỉa hè nên tôi được quyền sử dụng vỉa hè theo ý tôi”. Điều này sẽ tạo thêm khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý trật tự lòng lề đường sau này.
Vân Anh
- Thông tin liên quan: - Bài 1: Vỉa hè - Mỗi nơi mỗi kiểu