Viện Địa chất Việt Nam: Nổ tại Quảng Nam là do động đất

Ngày 30-11, đoàn khảo sát địa chất của Bộ KH-CN do TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, đã đến huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) để khảo sát hiện tượng rung chấn địa chất tại khu vực này.
Viện Địa chất Việt Nam: Nổ tại Quảng Nam là do động đất

Ngày 30-11, đoàn khảo sát địa chất của Bộ KH-CN do TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, đã đến huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) để khảo sát hiện tượng rung chấn địa chất tại khu vực này.

Đoàn khảo sát hiện tượng rung chấn tại bờ đập hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My). Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Đoàn khảo sát hiện tượng rung chấn tại bờ đập hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My). Ảnh: NGUYÊN KHÔI

  • Đêm nghe đất rền

Người dân Bắc Trà My trong những ngày này, tụ từng nhóm bàn tán xôn xao kèm theo nỗi lo động đất. Sinh sống và bán quán ăn tại đầu cầu Trà Đốc, ngay bên dưới đập chính hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) đã hơn 1 năm qua, chị Nguyễn Thị Lan (quê Tam Kỳ, Quảng Nam) lo lắng: “Từ khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, hàng đêm người dân đều nghe tiếng nổ dưới nước phát ra kéo theo những đợt rung lắc làm chao đảo nhiều thứ trong nhà”. Đợt rung chấn ngày càng mạnh và kéo dài, mạnh nhất là đêm 27-11 với nhiều lần, mỗi lần kéo dài vài phút.

“Khi rung chấn mỗi ngày một mạnh, người bảo động đất, người bảo hồ thủy điện đóng cửa xả gây tiếng ồn, người bảo suối nước nóng dưới lòng hồ Sông Tranh 2 phun trào… khiến vợ chồng em lo sợ định về quê nhưng vì kế sinh nhai nên cứ ở liều” – chị Lan cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 4, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) cho biết, nơi rung lắc mạnh nhất là vùng gần suối nước nóng Nước Vin, cách đập chính thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 7km về hướng Nam Trà My. Ngoài ra, các xã cách bờ đập này từ 15 đến 35km vẫn có rung chấn mạnh đó là các xã Trà Giác, Trà Bui…

  • Sụt lở đất nhiều nơi

Theo người dân, cùng với thời điểm xảy ra hiện tượng đất rền, người dân phát hiện trên các đồi núi khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra các vụ sụt lở đất. Trên đường từ cầu Trà Đốc (xã Trà Đốc) vào xã Trà Bui ven hồ thủy điện Sông Tranh 2 chúng tôi ghi nhận trên các sườn núi xuất hiện nhiều điểm sụt lở đất nghiêm trọng.

Tại vai đập chính hồ thủy điện Sông Tranh 2, nơi tiếp giáp với đường ĐT616 có một hố sâu gần 2m, kéo dài khoảng 20m chạy dọc theo đường ĐT616 cho đến bờ đập. Mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 mấp mé gần hố sâu, trong khi phía bên kia là vực thẳm khoảng 80m. 730 triệu m³ nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 cách vực thẳm chỉ vài mét đường ĐT616 loang lổ.

Vai đập hồ thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều điểm sụt lở.

Vai đập hồ thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều điểm sụt lở.

Cách bờ đập khoảng 50m về hướng Đông, một vết lở khoét sâu từ đường ĐT616 kéo dài hàng trăm mét vào lòng núi. Theo người dân bản địa, sạt lở ta-luy dương ở miền núi là bình thường nhưng hiện tượng đất bị khoét sâu kéo dài vào lòng núi như điểm này rất hiếm.

Sự xuất hiện của những vụ sụt lở đất trùng khớp vào thời điểm xảy ra rung chấn địa chất khiến người dân lo sợ động đất lớn sẽ xảy ra tại đây.

Chiều 30-11, đoàn khảo sát địa chất của Bộ KH-CN do TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, làm trưởng đoàn và các TS Phan Trọng Trịnh, TS Phạm Văn Hùng (Viện Địa chất) và TS Lê Hồng Sơn (Viện Vật lý địa cầu) đã làm việc với huyện Bắc Trà My và đi kiểm tra thực tế tại khu vực bờ đập thủy điện Sông Tranh 2 - nơi xuất hiện nhiều điểm sạt lở bất thường.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện tượng rung chấn xảy ra kèm theo tiếng nổ khiến nhà dân từ Bắc Trà My (khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2) đến huyện Nam Trà My cách hồ thủy điện Sông Tranh 2 hơn 50 km vẫn cảm giác rõ sự rung lắc. Huyện mong muốn đoàn khảo sát và giải thích rõ ràng, khoa học nguyên nhân, diễn biến của hiện tượng này để dân yên tâm.

Sau buổi làm việc thực tế chiều tối 30-11, đoàn khảo sát vẫn chưa đưa ra nhận định chính thức nào về hiện tượng rung chấn tại Bắc Trà My.

Trả lời PV Báo SGGP, TS Trần Tuấn Anh, khẳng định, hiện tượng rung chấn thời gian qua ở Bắc Trà My là do động đất. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận phải khảo sát để tìm ra vùng tâm chấn ở đâu, mức độ thế nào. Nếu cần, đoàn sẽ đề xuất Bộ KH-CN đưa máy đo địa chấn vào Bắc Trà My. Trước mắt, đoàn khảo sát các đới đứt gãy từ Bắc Trà My đến Nam Trà My để tìm hiểu nơi nào xảy ra rung chấn mạnh nhất để đặt máy đo địa chấn...  

“Trong 2 năm 2009 và 2010, Viện KH-CN Việt Nam có công trình nghiên cứu về hiện tượng nứt đất và lở đất trên địa bàn huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Đề tài nghiên cứu khoa học này đã nhận định và đánh giá những điểm sụt lở đất khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 là vùng sạt lở đất cấp nguy hiểm, cấp nguy cơ cao"

TS Phạm Văn Hùng Viện Địa chất

NGUYÊN KHÔI

- Thông tin liên quan:

>> Hoang mang vì động đất

Tin cùng chuyên mục