Viên gạch lát đường

Người Việt có truyền thống lát đường bằng gạch đá, ít nhất đã hơn 10 thế kỷ. Những dấu tích đền đài, cung điện từ thời Lý còn lại cho đến ngày nay là minh chứng xác thực cho việc này.
Dĩ nhiên ngàn năm trước, những nơi được lát gạch chỉ có thể ở trong những công trình của vua chúa quan lại sử dụng hàng ngày. Cho đến tận đầu thế kỷ trước, khi người Pháp sang đô hộ xứ Đông Dương mới có khái niệm lát gạch trên các vỉa hè đường phố công cộng. 
Trước khi có quy hoạch đường phố do người Pháp vạch ra, Hà Nội hoàn toàn chỉ là những ngôi làng hợp lại. Làng có đình chùa miếu mạo của làng. Làng giàu có được lát gạch vài tuyến đường chính xuyên qua. Làng nghèo đường đất quanh co lầy lội suốt mùa mưa. Cho đến giữa thế kỷ trước, những ngôi làng quanh Hà Nội vẫn nhiều nơi chưa có đường gạch.
Nhiều làng mạc trên vùng Kinh Bắc có tục lệ con gái đi lấy chồng phải nộp “lệ phí” cho làng bằng vài trăm viên gạch lát đường. Cũng tùy từng làng mà thôi. Làng giàu có sẽ lát gạch nghiêng nong đôi rộng rãi. Không ít nơi dân làng hết sức tự hào về con đường làng mình. Làng nghèo lát gạch nằm một lối đi nhỏ ở giữa đường.
Viên gạch lát đường ảnh 1 Gạch bê tông giả đá được đánh giá cơ bản phù hợp lát vỉa hè. Ảnh: T.L.
Thực ra, người nông dân lúc ấy không mặn mà lắm với đường lát gạch. Với đôi chân trần thì gạch lát đường rất nóng vào mùa hè và cực lạnh giá vào mùa đông. Nhiều người vẫn chọn lối đi trên nền đất ấm áp, hai bên đường làng nào cũng chừa ra cho trâu bò đi lại. Cuộc cách mạng guốc dép nông thôn cũng mới chỉ thành công vào khoảng vài ba chục năm trở lại đây.
Vỉa hè Hà Nội kể từ sau tiếp quản năm 1954 bắt đầu có những thay đổi. Nhiều tuyến phố được lát gạch trên những vỉa hè đất còn lại khá nhiều ở trong bốn khu phố nội thành. Ban đầu chỉ có lối đi ở giữa được lát bằng gạch xi măng 30x30cm.
Hai bên cỏ vẫn xanh mướt vào mùa xuân mưa phùn. Những tuyến phố chính từ khu Hoàn Kiếm lan ra các khu phố lân cận được lát vỉa hè bằng gạch đỏ kẻ vạch chéo chống trơn từ thời Pháp thuộc. Vỉa hè đỏ rực sau cơn mưa làm thành một bảng hòa sắc nhuần nhụy êm ái với ngói nâu tường cũ của những con phố cổ.
Lúc ấy đô thị như có một chân dung thẩm mỹ bao trùm, tưởng như bất biến. Những con phố êm đềm tỏa bóng mát cây xanh cổ thụ. Những vỉa hè lát gạch đỏ lác đác lá sấu vàng rụng mùa thu. Những vạt đất nâu lốm đốm cỏ xanh trên vỉa hè những con phố nhỏ vắng người càng làm tăng thêm cái tĩnh mịch chậm rãi. Lũ trẻ chơi đùa trên những vỉa hè ấy như bức tranh sinh hoạt hiền hoà gắn bó hữu cơ với nhau.  
Thoáng chốc, khái niệm vỉa hè lát gạch đã trở nên phổ biến. Cho đến bây giờ, người ở phố không ai còn có thể tưởng tượng ra một vỉa hè nào đó trong phố chưa lát gạch. Kể cả những ngõ ngách quanh co trong phố dẫn vào đến tận cửa mỗi nhà cũng đều đã phủ kín bằng gạch hoặc bê tông.
Sau hơn ba chục năm vỉa hè được lát bằng những viên gạch xi măng sần sùi, xấu xí, buồn tẻ, người ta bắt đầu nghĩ ra hàng chục loại gạch xi măng khác với màu sắc và hình dáng thay đổi khá vui mắt. Nhưng vẫn có một điều làm cho những người quan tâm đến thẩm mỹ phố phường không làm sao hiểu nổi.
Đó là việc dùng gạch lát vỉa hè với màu sắc và hình dáng hết sức tự nhiên chủ nghĩa. Có cảm giác như viên gạch có sẵn, quyết định màu sắc và cấu tạo vỉa hè, chứ không phải là ngược lại?
Rất có thể viên gạch đỏ kẻ chéo chống trơn trượt ngày trước đã không còn đáp ứng được cường độ chịu lực với một thành phố có quá nhiều ô tô. Những vỉa hè xưa chỉ đủ sức chịu đựng bước chân người đi bộ, hoặc cùng lắm là xe đạp, xe máy thì nay phải gánh thêm tải trọng ô tô gấp hàng chục lần. Viên gạch nung dần bị thay thế trên hầu khắp các tuyến phố.
Những viên gạch xi măng dày gấp đôi như thể ngay lập tức chứng tỏ rằng, nó cũng đã quá sức chịu đựng. Những tuyến phố lát loại gạch này bị sụt lún, hư hỏng chỉ trong vài tháng sử dụng.
Gần đây Hà Nội có chủ trương cho lát đá xanh ở hầu khắp các tuyến đường đã hoàn thành công cuộc hạ ngầm dây cáp điện. Phải thừa nhận, cố gắng của những nhà hoạch định đã bắt đầu quan tâm đến thẩm mỹ của vỉa hè thành phố.
Sự phát triển của kiến trúc đô thị với những thiết kế nhà cao tầng hiện đại màu sắc phong phú thì vỉa hè lát đá đã phần nào lấy lại được thăng bằng thị giác. Nó làm cho người đi trên phố có được cảm giác đồng bộ kết nối của một thành phố hiện đại mà không còn bị “tam khoanh tứ đốm” như trước nữa. Hóa ra bộ mặt thẩm mỹ của phố phường phụ thuộc rất nhiều vào những viên gạch lát vỉa hè mà ta đã có lúc lơ là.

Tin cùng chuyên mục