(SGGP).- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 1.145 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015; có 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký thêm là 3,787 tỷ USD, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhận định về những tín hiệu lạc quan trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, ông Trần Đông Phong, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng những chính sách điều chỉnh nhằm thay đổi môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch cuối năm 2015 của Chính phủ đã có những tác động mạnh đến tiềm năng thu hút đầu tư của khối ngoại. Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng sức hấp dẫn đầu tư, Chính phủ đẩy mạnh áp dụng hàng loạt chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động. Thời gian thực hiện miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cụ thể như sau: 3 năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, tại cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường; 7 năm với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời hạn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kéo dài 11 năm. Riêng với những dự án nằm trong diện khuyến khích đầu tư lại cộng thêm yếu tố nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn thì có thể hưởng chính sách ưu đãi trên lên đến 15 năm. Còn với những dự án nông nghiệp, Chính phủ có những chính sách ưu đãi đặc biệt khác như miễn tiền sử dụng đất hoặc giảm 70% tiền sử dụng đất.
Liên quan đến những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu, cho rằng, Việt Nam đang là nước có độ mở thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hạn chế của Việt Nam là nội lực của các doanh nghiệp (DN) trong nước còn yếu, chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, ít nhiều gây khó cho DN ngoại nếu muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam. Riêng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại của Nhật Bản tại TPHCM cho biết thêm, những chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng đã rất tốt, thậm chí môi trường đầu tư tại Việt Nam còn hấp dẫn hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất tại Việt Nam mà trung tâm nhận được nhiều phản ánh nhất của các DN Nhật Bản là thủ tục thông quan. Hiện để thông quan lô hàng, DN mất thời gian ít nhất từ 3 - 5 ngày. Trong khi đó, có những mặt hàng là sản phẩm chế biến không cho phép thời gian thông quan lâu như vậy, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch dịch vụ công để tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN nước ngoài tham gia đầu tư tại Việt Nam.
PHÙNG ÁI