Việt Nam đang hứng dòng chảy FDI

Trước đây, Trung Quốc đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì nay làn sóng dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra mạnh mẽ. Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong năm 2015 có khoảng 1.000 tỷ USD rút ra khỏi Trung Quốc, gấp 7 lần năm 2014. Trong khi vốn FDI vào Việt Nam tăng cao. Phải chăng, Việt Nam đang hứng được dòng chảy vốn FDI?
Việt Nam đang hứng dòng chảy FDI

Trước đây, Trung Quốc đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì nay làn sóng dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra mạnh mẽ. Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong năm 2015 có khoảng 1.000 tỷ USD rút ra khỏi Trung Quốc, gấp 7 lần năm 2014. Trong khi vốn FDI vào Việt Nam tăng cao. Phải chăng, Việt Nam đang hứng được dòng chảy vốn FDI?

Liên tục tăng

Nếu đầu năm 2015, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chậm thì cuối năm tăng mạnh dẫn đến kết quả một năm đầy ấn tượng, thu hút trên 22,7 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm trước). Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong năm 2015 Việt Nam thu hút hơn 2.000 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký mới đạt trên 15,5 tỷ USD (tăng hơn 26% về số dự án so với năm trước); 814 lượt dự án FDI tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm khoảng 7,2 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng mừng không chỉ ở con số vốn đăng ký cao mà ở số vốn thực hiện tăng mạnh so với các năm trước và vốn đổ vào các ngành theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Cụ thể, số vốn thực hiện trong năm ước đạt 14,5 tỷ USD (tăng 17,4% so với năm trước). Số vốn đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt cao nhất, đến 15,23 tỷ USD (chiếm gần 67% tổng vốn đăng ký); tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí đạt 2,8 tỷ USD (chiếm 12,4%); ngành kinh doanh bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD (chiếm 10,5%)… Đặc biệt, trong số dự án cấp mới, TPHCM dẫn đầu với 2,8 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới của cả nước).

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ có được kết quả đó là nhờ trào lưu các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước khác thì hầu hết các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên.

Thiết kế mạch điện tử điện thoại di động tại Greystone Data Systems (Hoa Kỳ) ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

TPP: Kỳ vọng 2016

Tiếp tục làn sóng sự dịch chuyển nguồn vốn, cộng với việc các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) từng bước có hiệu lực sâu hơn thì tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2016 đã đạt được kết quả khả quan. Trong chưa đầy 1 tháng đầu năm 2016 đã có 127 dự án mới đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD (tăng 157% so với cùng kỳ) và 56 lượt dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm 323 triệu USD (tăng 19% so với cùng kỳ).

Những kết quả ban đầu này dự báo một năm phát triển khi mà năm 2016 Việt Nam có nhiều triển vọng đang mở ra. Đó là lợi thế cạnh tranh khi các FTA có hiệu lực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết… sẽ mở ra cho Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới. Do vậy, Việt Nam đang trở thành điểm hứng dòng chảy vốn FDI đổ vào. Để hưởng lợi thế từ TPP, nhiều doanh nghiệp phụ trợ ngành dệt may đã vào Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất - xuất khẩu cho các nước. Chẳng hạn như dự án nhà máy sản xuất trang phục may mặc của Công ty TNHH Maple (Singapore) với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh; Avery Dennison RBIS sản xuất tem nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí cho sản phẩm dệt may, da giày, đã đầu tư nhà máy trên 30 triệu USD vào Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An và nhiều dự án trong lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may đã đổ vào Việt Nam trong những ngày đầu năm. Các tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư lớn như Samsung, LG, Nokia - Microsoft, Formosa cũng vào Việt Nam kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi sản xuất cũng vào theo.

Bên cạnh đó là các dự án nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New Wing, với vốn 100 triệu USD tại Bắc Giang; Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia) đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại TV thông minh, TV LCD và TV LED có độ chính xác cao với vốn đầu tư hơn 21 triệu USD tại TPHCM và nhiều dự án sản xuất linh phụ kiện cho điện thoại di động, thiết bị điện tử tại phía Bắc...

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết, năm 2016 có nhiều hứa hẹn những dự án tỷ đô đổ vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, bất động sản, điện… Cụ thể là thỏa thuận về đầu tư dự án nhiệt điện Nam Định của doanh nghiệp Hàn Quốc hứa hẹn sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD vào ngành điện trong năm 2016; dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD cũng đang sắp kết thúc quá trình đàm phán đi đến ký kết… Với những dự án lớn đó, hy vọng năm 2016 dòng chảy FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng đột biến.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục