Cuốn sách gồm 4 chương, được phát hành bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp, cung cấp những thông tin toàn diện về quan điểm, chủ trương, luật pháp, chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền con người, đặc biệt từ sau khi thông qua Hiến pháp 2013, cũng như những nỗ lực và thành tựu đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Cuốn sách khẳng định sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và sự chủ động, tích cực của Việt Nam tại các cơ chế về quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến một số thách thức cần vượt qua và những ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng quyền của mọi người dân Việt Nam.
Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về các ưu tiên của Việt Nam nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền con người trong thời gian tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất quan trọng trong lĩnh vực thúc đẩy quyền con người. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thứ ba, nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội. Thứ tư, cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này. Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới do đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Thứ sáu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Thứ bảy, tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với việc một số đối tác bày tỏ sự quan tâm về việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những sự khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển. Đây là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế. Điều quan trọng là chúng ta cần sẵn sàng hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại về quyền con người với một số nước/đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người. Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người”.
Ngày 18-1, tại TPHCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Tham dự có các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo ở 31 tỉnh, thành khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng tới Cà Mau).
Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 là đạo luật quan trọng đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của xã hội nói chung và của các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo nói riêng.
Luật Tín ngưỡng tôn giáo khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong tập hợp, đoàn kết các tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo, với hơn 25,3 triệu tín đồ các tôn giáo. Ngoài ra, rất đông đảo người dân Việt Nam tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng và các hành vi tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Khoảng 95% người dân Việt Nam có tín ngưỡng, tôn giáo.
Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có trên 80.000 chức sắc, nhà tu hành; gần 114.000 chức việc, gần 26.000 cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng. Trong những năm qua, các tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội khác, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.