Các nhà đầu tư đang nhanh chóng thu hồi vốn từ Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). Vậy dòng tiền đó sẽ chảy tới đâu? Theo Đài Tiếng nói nước Nga, điểm đến cho các khoản tiền này trong năm 2012 chính là Việt Nam.
Thoạt nhìn, Việt Nam có vẻ đang trượt khỏi đội ngũ những quốc gia châu Á hùng cường. Dân cư đô thị chỉ chiếm 30%, GDP bình quân đầu người 3.100 USD (đứng thứ 166 trên thế giới). Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính quốc tế lại lưu ý đến sự nhảy vọt mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua.
Xét về tiêu chí phát triển năng động, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới. Vài năm trước, tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Việt Nam là 8% (hiện là 6,8%). Tốc độ tăng trưởng cao là nhờ tiến trình công nghiệp hóa của đất nước với điểm nhấn là các ngành sản xuất tiên tiến như điện tử, công nghệ sinh học…
Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng để các nhà đầu tư chọn Việt Nam là sự ổn định về chính trị và xã hội. Nếu thời kỳ đầu những năm 1990, tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam chiếm 58% dân số, thì đến năm 2010, con số này chỉ còn 9,5%. Trong bảng xếp hạng tín nhiệm của Viện Nghiên cứu độc lập Legatum có trụ sở ở Dubai, về mức sống, năm 2011 Việt Nam xếp thứ 61 (tăng 16 bậc so với năm 2010).
Việt Nam còn hấp dẫn giới đầu tư bởi chính sách thuế ưu đãi và thị trường lao động dồi dào. Chuyên viên Vladislav Belov thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng Việt Nam không chỉ có lợi thế giá nhân công thấp mà còn có lao động chất lượng cao.
“Các nhà đầu tư châu Âu đều cho rằng Việt Nam có lực lượng lao động mang tính sáng tạo cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Theo nhiều chuyên viên Đức, khi cộng tác với người Việt Nam, họ thường nảy sinh nhiều ý tưởng kinh doanh mới mẻ. Trong khi đó, các cấp quản lý tại Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều cơ hội, không chỉ với những cơ sở 100% vốn nước ngoài, mà cả với những đơn vị liên doanh khác”, ông Belov nói.
Việt Nam hiện có 135 khu công nghiệp, khu chế xuất với mức ưu đãi thuế lớn, thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu và châu Á. Nhiều ý kiến cho rằng đến năm 2015, Việt Nam có thể trở thành trung tâm của ASEAN về thương mại và đầu tư. Những ngành nghề có thể đầu tư tại Việt Nam rất nhiều. Việt Nam có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, than đá và kim loại vô cùng phong phú.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến du lịch được ưa chuộng nhất. Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam trong thập kỷ tới sẽ vượt hơn 12 tỷ USD. Các khu nghỉ dưỡng ven biển của Việt Nam đang từng bước vươn lên giành “vòng nguyệt quế du lịch”, vốn xưa nay thuộc về Thái Lan. Một lĩnh vực sinh nhiều lợi nhuận khác cho đầu tư là bất động sản.
Năm 2011, Hiệp hội các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài của Mỹ đã xếp Việt Nam vào vị trí đầu tiên trong danh sách các quốc gia tốt nhất để đầu tư. Yếu tố thuận lợi rõ rệt ở đây còn là nhiều khoảng trống, chưa có cạnh tranh gay gắt, điều kiện khí hậu cho phép giảm thiểu chi phí xây dựng và mức giá thấp hơn so với nhiều nước khác trong khu vực.
Có thể nói việc đầu tư vào Việt Nam đang là cơ hội tốt để các nhà đầu tư sinh lợi.
Đỗ Văn