Theo đó, nguồn nguyên liệu như dừa, nghệ, lá ổi, tảo biển, xả, xá xị, hoa hồi, quế… tại Việt Nam rất dồi dào và giá thành rất rẻ. Đây là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ - xu hướng mỹ phẩm chi phối hoạt động sản xuất và tiêu dùng hiện tại trên thế giới
Ở góc độ tiêu thụ, Việt Nam có quy mô thị trường tiêu thụ lớn với hơn 90 triệu người dân. Trong đó, có đến 33 triệu người đang là đối tượng tiêu dùng trực tiếp. Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam đang tăng đáng kể.
Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, số lượng sản phẩm mỹ phẩm chính hãng của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam đã tăng từ 100 nhãn hàng lên 400 nhãn hàng. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường Việt Nam cũng tăng từ 100 doanh nghiệp lên hơn 200 doanh nghiệp. Riêng hệ thống phân phối sản phẩm chuyên chăm sóc sức khỏe Medic Care đã tăng số lượng lên 70 cửa hàng.
Còn với doanh nghiệp Nhật, tuy tham gia thị trường Việt Nam muộn hơn nhưng hiện cũng đã bắt đầu tăng tốc tìm kiếm hệ thống phân phối, đại lý để đẩy mạnh sản phẩm mỹ phẩm vào thị trường Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội Tinh dầu và hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam cho biết, thị trường tiêu thụ mỹ phẩm tại Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, đáng tiếc doanh nghiệp Việt Nam lại không thể khai thác bởi vừa yếu về công nghệ vừa thiếu vốn đầu tư, buộc phải nhường thị phần cho mỹ phẩm ngoại. Do đó về lâu dài, cơ quan chức năng cần thiết phải có những đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chiết xuất dược liệu để hỗ trợ ngành sản xuất mỹ phẩm Việt Nam phát triển, tối đa hóa nguồn nguyên liệu vốn rất tiềm năng và dồi dào trong nước.