Việt Nam - Nỗ lực là điểm đến mới của âm nhạc quốc tế

Hai đêm nhạc của BlackPink, nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc, ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) - điểm đến cuối trong khuôn khổ Born Pink World Tour của họ - thu hút gần 70.000 khán giả, được nhận định là show diễn thành công, đột biến với thị trường biểu diễn Việt Nam. Rất nhiều người tin rằng Việt Nam đủ sức trở thành địa chỉ âm nhạc chất lượng mới, thu hút nghệ sĩ, khán giả quốc tế.

Những cú hích cần thiết

Sự kiện đêm nhạc BlackPink thu hút đông đảo khán giả, sự chú ý của giới truyền thông trong nước và quốc tế; đặc biệt, ngoài khán giả, khách du lịch trong nước, lượng khách du lịch nước ngoài từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… tăng mạnh là một cú hích cần thiết cho thị trường âm nhạc Việt Nam.

Đêm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình thu hút đông đảo khán giả. Ảnh: BlackPink

Đêm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình thu hút đông đảo khán giả. Ảnh: BlackPink

Cuối tháng 7, tại Vinpearl Nha Trang, đại nhạc hội 8Wonder chào đón ca sĩ nổi tiếng người Mỹ Charlie Puth đến Việt Nam lần đầu. Anh đã có những màn đơn ca, song ca đặc biệt và hòa giọng với khoảng 7.000 khán giả trong các ca khúc tỷ view (lượt xem): See you again, We don’t talk anymore, Attention… Cuối tháng 2, nghệ sĩ huyền thoại người Nhật Bản Kitaro đã đến Ninh Bình biểu diễn trong liveshow Chân trời rực rỡ của Hà Anh Tuấn. Lần đầu tiên, 2 sản phẩm khí nhạc của Kitaro là Koi và Silk Road được viết lời Việt, Hà Anh Tuấn trình diễn.

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho hay: “Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng trở thành điểm đến thu hút ngành công nghiệp trình diễn quốc tế. Các sự kiện lớn từng bước tạo thói quen cho công chúng thưởng thức những đỉnh cao âm nhạc thế giới, từ nghệ sĩ đến kỹ thuật, sân khấu, nhạc cụ… Khán giả quen với show diễn chất lượng sau này sẽ sẵn sàng bỏ tiền mua vé với chương trình tương xứng”.

Trước các sự kiện này, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TPHCM - Hò dô năm 2022 có 250 nghệ sĩ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ, Ấn Độ… “đổ bộ” đến Việt Nam tham gia trình diễn, trong đó đặc biệt có: Kenny Edmonds (nghệ danh Babyface), Johnny Stimson - chủ nhân bản hit Smile, Alastair Moock - nghệ sĩ nhận đề cử Grammy, Ricky Kej - nghệ sĩ thắng giải Grammy…

Mới đây, thông tin Việt Nam sẽ “đón tiếp” huyền thoại âm nhạc Steve Vai (Mỹ) đến biểu diễn vào tháng 10 khiến nhiều khán giả đứng ngồi không yên. Steve Vai từng 3 lần nhận giải Grammy, có 15 lần đề cử…; do đó, việc ê kíp của anh chọn Việt Nam làm điểm dừng chân tiếp theo trong khuôn khổ tour diễn vòng quanh thế giới Inviolate sẽ là một sự kiện rất đáng mong chờ.

Thành công của nhiều đêm nhạc, lễ hội, tour diễn có nghệ sĩ quốc tế là những cú hích cần thiết, quan trọng, thể hiện Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện để kiến tạo một điểm đến mới đầy tiềm năng trên bản đồ công nghiệp trình diễn âm nhạc thế giới: lượng khán giả yêu nhạc đông đảo; có một số lễ hội âm nhạc quốc tế chất lượng; cơ sở vật chất đang hoàn thiện, đủ sức đảm nhận các show diễn tầm cỡ; cơ chế tổ chức dần cởi mở; cơ hội thu hút các nhà đầu tư… Có thể thấy rõ việc thúc đẩy phát triển nền công nghệ giải trí trong nước đang có những chuyển biến rõ rệt nhiều mặt, có những bước tiếp xúc, tiệm cận thị trường công nghệ giải trí lớn thế giới.

Nỗ lực thay đổi để thu hút

Nói về những thách thức mà các nhà tổ chức sự kiện, show diễn âm nhạc lớn trong nước phải đối mặt, nhà sản xuất Võ Minh Hiền cho biết, đó là vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị chuẩn chỉnh để đáp ứng đúng tầm yêu cầu của nghệ sĩ quốc tế; là số lượng khán giả... Anh nói, yêu cầu về kỹ thuật, máy móc, dàn nhạc… của nghệ sĩ quốc tế cực kỳ cao, thường trong nước khó có thể đáp ứng, chưa kể ê kíp của nghệ sĩ cũng đi theo. Kinh phí theo đó rất cao. Như show Born Pink, hệ thống âm thanh, ánh sáng của chương trình có 80% thiết bị nhập khẩu. Với đại nhạc hội 8Wonder, các tiêu chuẩn biểu diễn của công nghiệp giải trí thế giới lần đầu tiên được ứng dụng. Còn ê kíp của Hà Anh Tuấn khi đón nghệ sĩ Kitaro về biểu diễn phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu khắt khe: danh sách dài về các thiết bị âm thanh, hiệu ứng phụ trợ, trong đó bắt buộc phải có dàn trống Taiko; yêu cầu chi tiết về chế độ an ninh, ăn ở, đi lại… Những đề nghị về mặt công nghệ của Kitaro là thách thức lớn với ban tổ chức.

Nghệ sĩ huyền thoại người Nhật Bản Kitaro đã đến Ninh Bình biểu diễn trong liveshow Chân trời rực rỡ của ca sĩ Hà Anh Tuấn

Nghệ sĩ huyền thoại người Nhật Bản Kitaro đã đến Ninh Bình biểu diễn trong liveshow Chân trời rực rỡ của ca sĩ Hà Anh Tuấn

Tour diễn của BlackPink tại Hà Nội bán vé số lượng lớn có thể nói là dấu hiệu tích cực so với nhiều năm trước, khi sức mua của khán giả Việt khá hạn chế. Như nhà sản xuất Võ Minh Hiền từng trăn trở: “Nếu phải nói thêm về một trở ngại lớn khi thị trường âm nhạc mở cửa, có lẽ là thói quen của khán giả. Chúng tôi từng nhiều lần bất lực, phải hủy show diễn lớn của một số nghệ sĩ quốc tế dự kiến đến Việt Nam bởi bán được rất ít vé. Nghệ sĩ quốc tế thường đòi hỏi sân khấu ít nhất phải có từ 5.000, 10.000 khán giả trở lên, nhưng khán giả nước mình vốn thích “xem - nghe chùa”, muốn được tặng vé chớ không muốn… chi tiền. Vì lẽ đó, từng có thời gian dài, nghệ sĩ quốc tế chưa xem Việt Nam là điểm đến đáng mong chờ”.

Sự có mặt của các nghệ sĩ quốc tế tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, cho thấy năng lực tổ chức trong nước tiến bộ. Biết đâu, trong tương lai không xa, Taylor Swift, Adele… sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến trong tour diễn của họ. Do đó, bên cạnh những thuận lợi đang có, Việt Nam cần tạo các điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho nhà đầu tư, nghệ sĩ quốc tế như một số nước từng làm. Việc tạo quy trình cấp phép thuận lợi là điều cần thiết, khuyến khích các chương trình biểu diễn quốc tế nhiều hơn, mang tới diện mạo mới cho ngành công nghiệp giải trí.

Tin cùng chuyên mục