Hòa trong không khí hân hoan trước sự kiện Việt Nam cùng các nước thành viên TPP hoàn tất đàm phán, chuẩn bị mở cửa hội nhập sâu rộng, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn đã tổ chức hội thảo “Sẵn sàng hội nhập” cho các doanh nghiệp (DN). Nhiều vấn đề băn khoăn của DN vừa và nhỏ đã được các chuyên gia trao đổi, giải thích, nhằm trang bị kiến thức, luật chơi cho DN trước khi ra biển lớn.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam hưởng nhiều lợi ích khi nước ta tham gia TPP. Ảnh: CAO THĂNG
TPP - “khúc cua” lịch sử
Ví von về những cam kết các hiệp định thương mại tư do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết tham gia, như lời của ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TPHCM, nhấn mạnh: “Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong khúc cua lịch sử”. Nhìn lại lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ năm 1995 đến 2015, chúng ta lần lượt gia nhập ASEAN (AFTA), APEC, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Hàn Quốc, WTO, FTA ASEAN - Nhật Bản, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… Quá nhiều hiệp định được thông qua, nhiều quy định mới được ban hành, khiến hơn 500.000 DN Việt Nam - đa số là DN vừa và nhỏ - còn băn khoăn khi hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Nếu không được chuẩn bị kỹ thì cơ hội đi qua, DN sẽ bị “lỡ chuyến đò”!
Ông Phạm Bình An nhìn lại, việc hội nhập WTO được xem là thể chế kinh tế đa phương quan trọng, đến nay các nước có xu hướng liên kết sâu thông qua các FTA. Đến nay, Hiệp định TPP hoàn tất đàm phán ngày 5-10 chính là cột mốc lịch sử, mặc dù TPP không rộng bằng WTO nhưng có tính chiều sâu. Khi tham gia TPP, Việt Nam được thiết lập luật chơi mà những nước gia nhập sau không có được. Hiệp định TPP có mục tiêu tự do hóa thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các chuẩn mực mới. Nhìn lại các thành viên TPP thì Việt Nam là quốc gia nhỏ nhưng được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP. Trong đó, phải kể tới chính là ngành dệt may. Khi gia nhập TPP, chúng ta được xóa bỏ thuế ngay lập tức, riêng một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình dài hơn. Bên cạnh đó là “cơ chế nguồn cung thiếu hụt”, cho phép sử dụng sợi và vải không có sẵn; cơ chế “tự vệ đặc biệt” khi nhập khẩu tăng đột biến… Nhìn chung, Việt Nam đang có lợi thế, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động. Chỉ nhìn qua số thuế xuất khẩu của ngành dệt may năm 2014, xuất khẩu đạt khoảng 21 tỷ USD ( thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 9,8 tỷ USD) thì nay, tham gia TPP thuế suất vào Hoa Kỳ từ 17,3% giảm xuống 0%, rõ ràng DN Việt hưởng lợi lớn.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phát huy hơn nữa
Tuy trong biểu đồ xếp hạng, mức độ phát triển của DN Việt Nam và thu nhập của Việt Nam kém nhất so với các nước tham gia TPP, nhưng theo đánh giá chung của các chuyên gia, khi gia nhập TPP, Việt Nam lại là nước được hưởng lợi nhiều. Cụ thể như, về ngắn hạn, Việt Nam tăng xuất khẩu (may mặc, nông sản…). Bên cạnh đó, tăng đầu tư trực tiếp từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada nhờ làn sóng FDI đón đầu cơ hội từ TPP. Ngoài ra, Việt Nam còn được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về lâu dài, khi gia nhập TPP, Việt Nam có cơ hội cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao các chuẩn mực hoạt động của DN. Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam cũng không ít. Chẳng hạn, chuẩn mực và điều kiện phát triển chung còn thấp (hạ tầng cứng và mềm bất cập); năng lực cạnh tranh yếu cả 3 cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia, lo ngại về chăn nuôi); sức ỳ từ hệ thống thể chế hiện tại…
Theo TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hội nhập của các DN vừa và nhỏ đối diện với nhiều thách thức. Sự tồn tại, phát triển của DN phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh, duy trì, tăng thị phần, lợi nhuận. Đây là sự nỗ lực của cả DN và chính phủ. Hiệp định TPP mở ra trang mới cho lịch sử thế giới, xóa bỏ nhiều rào cản “ổ gà, ổ voi” (thuế quan, hàng hóa xuất nhập khẩu…) hiện nay. Điều quan trọng khi các DN vừa và nhỏ Việt Nam gia nhập TPP là biết phát huy thế mạnh trong chuỗi cung ứng sản phẩm của mình, đừng tự ti rằng DN mình nhỏ. Đặc biệt, đừng bao giờ có suy nghĩ “sáng tạo là quả tên lửa”, có thể lấy dẫn chứng thương hiệu dầu gội X-Men của Việt Nam nay đã thuộc về một tập đoàn Ấn Độ. Rõ ràng ý tưởng ban đầu của DN rất quan trọng nhưng phát triển DN cũng quan trọng không kém.
Để đối phó với các cú sốc khi gia nhập nền kinh tế toàn cầu, theo TS Võ Trí Thành, DN cần học hỏi, chuẩn bị sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá; nhận thức và đảm bảo yêu cầu các hàng rào bảo hộ kỹ thuật (tại các thị trường phát triển), kết hợp với hiểu biết quy trình giải quyết tranh chấp; nhận thức vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi chính sách. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, để một DN phát triển vững mạnh, theo ông cần 4 điều cơ bản. Đó là, khát vọng, bản lĩnh; chuẩn mực, chuyên nghiệp; kết nối, chia sẻ; linh hoạt, khôn ngoan.
THI HỒNG - NHI HOÀNG