Việt Nam và vị thế mới trên trường quốc tế

,
Việt Nam và vị thế mới trên trường quốc tế

Tiếp theo sau 2 năm hoàn thành tích cực vai trò thành viên không thường trực và chủ tịch HĐBA LHQ, trong hơn nửa đầu năm 2010, nhiều hoạt động ngoại giao do Việt Nam chủ trì đã tạo nên nhiều đột phá mới, đặc biệt trong vai trò chủ tịch ASEAN. Những thành tựu này khẳng định đường lối đối ngoại Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy của các nước vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

Từ một đất nước thiếu ăn, giờ đây Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.

Từ một đất nước thiếu ăn, giờ đây Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.

Trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao ASEAN 16, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và các hội nghị về kinh tế, văn hóa quốc phòng… của các nước ASEAN.

Đại lộ Đông Tây và đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm, diện mạo mới của TPHCM hôm nay. Ảnh: Thái Bằng
Đại lộ Đông Tây và đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm, diện mạo mới của TPHCM hôm nay. Ảnh: Thái Bằng

Hội nghị cấp cao ASEAN 16 là hội nghị đầu tiên Việt Nam làm chủ tịch ASEAN trong năm 2010. Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc xây dựng và triển khai Hiến chương ASEAN hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu, Việt Nam cùng các nước thành viên khác trong ASEAN một mặt đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN, mặt khác gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội cũng như đẩy mạnh giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế - tài chính Đông Á, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu cho phục hồi và phát triển bền vững.

Về hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh hợp tác ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu.

“Với vai trò và vị thế của mình, VN đã có những đóng góp quan trọng trong khuôn khổ Liên hiệp quốc và tại các diễn đàn khu vực, đặc biệt là trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010”- Tổng giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) kiêm Chủ tịch Nhóm các tổ chức phát triển LHQ, bà Helen Clark.

Việt Nam cũng đã tổ chức rất thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và các hội nghị liên quan vào trung tuần tháng 7. Tại hội nghị ASEAN, các thành viên hoan nghênh ý định của Nga và Mỹ trở thành thành viên của Cấp cao Đông Á.

Các bộ trưởng nhất trí khuyến nghị các Lãnh đạo ASEAN tại Cấp cao ASEAN 17 có quyết định chính thức về việc mời hai nước này tham gia Cấp cao Đông Á với cách thức và thời điểm phù hợp. Với quyết định này, ASEAN một lần nữa thể hiện vai trò là động lực chính trong thúc đẩy hơn nữa đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Cũng trong đợt hội nghị này, Hội nghị Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh tình hình khu vực đang đẩy mạnh đối thoại.

Giờ đây, ngày càng có nhiều nước muốn tham gia ARF. Giá trị của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) đã được nâng lên hơn nữa thông qua việc Canada và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia TAC và Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp ước được ký kết để tạo điều kiện cho EU/EC có thể tham gia vào TAC trong một tương lai gần.

Các bộ trưởng nhất trí thúc đẩy hơn nữa Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân nhằm bảo đảm khu vực chúng ta hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân, đồng thời đóng góp vào các nỗ lực chung toàn cầu về không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân. Khẳng định lại cam kết về duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các bộ trưởng nhất trí tôn trọng và thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), theo đó sẽ nỗ lực nhằm sớm nối lại Cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về DOC. Tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp trên tinh thần của Tuyên bố DOC và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Các bộ trưởng đã nhất trí thông qua Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF với các mục tiêu và biện pháp cụ thể hướng tới xây dựng một khu vực ARF hòa bình, ổn định và thịnh vượng vào năm 2020.

Là nước nằm trong lưu vực sông Mekong, Việt Nam đã chia sẻ những giá trị chung với các nước cùng lưu vực về ý thức bảo vệ con sông quan trọng này trước các tác động của biến đổi khí hậu và tiến trình công nghiệp hóa cũng như tăng cường hợp tác khai thác thế mạnh của các nước trong lưu vực. Hội nghị Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS vào trung tuần tháng 8 tại Hà Nội cũng không ngoài mục tiêu đó. Trải qua 18 năm phát triển, GMS đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, trong đó không thể không kể đến những đóng góp tích cực và chủ động của Việt Nam - một mắt xích quan trọng trong Tiểu vùng Mekong.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Lawrence Greenwood khẳng định: “Việt Nam từng là nước chủ nhà của Hội nghị GMS 16 năm về trước. Kể từ đó đến nay, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ lớn lao và sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế trong Tiểu vùng. Thành quả là mức sống đã tăng lên và đói nghèo đã giảm đi một cách rõ rệt”.

Trong xu thế đẩy mạnh hợp tác toàn cầu, hội thảo “Việt Nam - châu Phi” lần thứ hai cũng đã diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 8. Với chủ đề “Việt Nam-châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững”, Hội thảo lần này là diễn đàn để Việt Nam và các nước châu Phi cùng nhìn lại những kết quả hợp tác của hai bên kể từ khi hội thảo Việt Nam - châu Phi lần thứ nhất năm 2003.

Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc Cheick Sidi Diarra nhấn mạnh: “Quan hệ ngày càng tăng giữa châu Phi và Việt Nam được hoan nghênh vì góp phần rất lớn vào việc giúp châu Phi tăng cường năng lực sản xuất, tăng trưởng bền vững, và xóa đói giảm nghèo”. Theo ông, những bài học thành công của Việt Nam sẽ vô cùng bổ ích với các quốc gia châu Phi. Hội thảo đầu tiên được Việt Nam tổ chức năm 2003 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kể từ sau hội thảo lần thứ nhất, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-châu Phi đã tăng ấn tượng, từ 360 triệu USD năm 2003 lên hơn 2 tỷ USD năm 2009.

Thụy Vũ

Quốc khánh 2-9 trong mắt các chuyên gia nước ngoài

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Việt Nam luôn là sự kiện lịch sử được thế giới đánh giá cao. Đó là một trong những mốc son trong lịch sử hào hùng hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Theo các chuyên gia và nhà nghiên cứu Pháp, sự thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là sự kiện quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các thuộc địa khác của Pháp trên toàn thế giới. Người Pháp thực sự quan tâm và đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc cách mạng này.

Nhà sử học Alain Ruscio, tác giả 15 cuốn sách về lịch sử Việt Nam luôn luôn ngưỡng mộ cuộc cách mạng này. Theo ông, đây là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam suốt 30 năm, càng nghiên cứu ông càng nhận ra sức hấp dẫn của nó và ông càng cảm phục trước những chiến thắng của Việt Nam trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là Cách mạng Tháng Tám.

Theo ông, Cách mạng mùa thu năm 1945 có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa trên toàn thế giới lúc bấy giờ, đặc biệt là các nước ở châu Phi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng khi trở thành người đầu tiên ở một nước thuộc địa tuyên bố độc lập.

Cùng quan điểm với nhà sử học Ruscio, nhà nghiên cứu và là nhà báo Pháp Daniel Roussel cho rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng đấu tranh phi thường của nhân dân Việt Nam vì tự do và độc lập dân tộc. Nhà báo này thêm rằng Cách mạng Tháng Tám cũng là biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trước sự đô hộ của thực dân Pháp và xác nhận quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.

Theo ông, với chiến lược tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã giành được nhiều chiến thắng vang dội trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trong đó thành công của Cách mạng Tháng Tám là một cột mốc quan trọng. Lịch sử Việt Nam là chủ đề đặc biệt trong sự nghiệp của nhà báo Roussel. Ông đến Việt Nam nhiều lần, viết nhiều tác phẩm, và tích cực thu thập hình ảnh về đất nước, con người và lịch sử Việt Nam cũng như các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Một nhà sử học khác của Pháp, ông Francis Andreau thì khẳng định rằng “Thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự đồng lòng từ người dân cùng với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong cuốn sách “Vietnam: The Origins of Revolution” (tạm dịch: Việt Nam: nguồn gốc của cách mạng), tác giả John T. McAlster cho rằng Cách mạng Tháng Tám không chỉ đơn thuần là cuộc cách mạng đánh đuổi quân đội xâm lược mà còn là cuộc cách mạng hướng tới xóa bỏ giai cấp trong đó làm thu hẹp cách biệt giữa tầng lớp nông dân nghèo với thành thị được những bổng lộc từ nhà cầm quyền Pháp.

Cách mạng Tháng Tám cũng đã trở thành đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có giáo sư David Marr thuộc Trường Đại học Quốc gia Australia. Ông nổi tiếng với cuốn “Việt Nam 1945” và đó là kết quả 13 năm lao động trí óc bền bỉ. Ông Marr đã đi tìm tư liệu ở Mỹ, Pháp, Australia, Việt Nam và ông dệt một bức thảm lịch sử, kết hợp tất cả các nguồn thuộc các đối tác lịch sử khác nhau để đạt đến độ khách quan. Nhiều nhà phê bình đánh giá cuốn sách là cái nhìn đầy đủ nhất về một trong những năm quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, một cột mốc của sự nghiên cứu Việt Nam và là một cuốn sách tham khảo mẫu mực.

Khánh Minh tổng hợp

Tin cùng chuyên mục