Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc Mỹ, thậm chí khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay hiệp định thương mại tự do nào. Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ nhận thấy được các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam.
Thống kê sơ bộ của cơ quan hải quan cho thấy, trong tháng 9-2017, kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ đạt 3,62 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2017 lên gần 31 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Với con số này, Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường Mỹ 24,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ sẽ gặp phải khó khăn hơn, do Chính phủ Mỹ áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật về an toàn sản phẩm nhằm giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, kết hợp với kích cầu sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và phát triển thị trường nội địa. Thực tế này sẽ đặt doanh nghiệp Việt Nam vào thế cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ - vốn có nhiều lợi thế hơn tại sân nhà.
Không những thế, hàng xuất xứ từ Việt Nam đang bị áp mức thuế cao hơn các nước phát triển khác như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan, Campuchia… Thậm chí, có những dòng sản phẩm bị áp mức thuế 17% - 30%. Hiện tiền thuế hàng nhập khẩu xuất xứ từ Việt Nam phải đóng chiếm khoảng 10,11% số tiền thu thuế hàng nhập khẩu của Mỹ, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Để có thể giữ vững, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng, thời gian tới, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Á - Âu... để tăng dư địa thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.
Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự quán Mỹ, nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng hệ thống pháp lý công bằng, minh bạch. Đây là yếu tố then chốt để thu hút doanh nghiệp ngoại và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nội phát triển trong thời gian tới. Về phía các doanh nghiệp phải theo dõi và thực hiện tất cả các quy định an toàn sản phẩm để không bị loại bỏ ra khỏi thị trường này.