Việt Phong, MC nam giọng miền Nam đầu tiên trên sóng thời sự VTV: Tôi đang thẩm thấu văn hóa Hà Nội

Việt Phong, MC nam giọng miền Nam đầu tiên trên sóng thời sự VTV: Tôi đang thẩm thấu văn hóa Hà Nội

Những ngày gần đây, khán giả xem thời sự Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) khá bất ngờ và thú vị khi nghe giọng một biên tập viên giọng miền Nam tham gia “giữ sóng”. Người nối gót các gương mặt đàn chị từ miền Nam ra “giữ sóng” trên kênh thời sự quốc gia như Hoài Anh, Thúy Hằng chính là biên tập viên Việt Phong (ảnh) - từng là một trong những gương mặt trẻ nổi bật của Đài Truyền hình TPHCM (HTV).

- PV: Trở thành MC nam với giọng miền Nam đầu tiên xuất hiện trên sóng thời sự truyền hình quốc gia, cảm giác đó với anh như thế nào?

- Biên tập viên VIỆT PHONG: Tôi nghĩ rằng, để được lựa chọn xuất hiện trên sóng VTV là điều không dễ đối với một cá nhân nào. Vì rõ ràng, khi xuất hiện trong một chương trình nào đó thì nghiễm nhiên người đó gần như trở thành một “đại sứ” cho chương trình. Tôi cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy mà tôi thấy vinh dự với công việc hiện tại của mình. Hơn nữa, ngay từ đầu tôi cũng không nghĩ mình được gọi là “MC nam miền Nam đầu tiên” mà các phương tiện truyền thông mấy hôm nay thông tin. Tôi chỉ nghĩ mình may mắn được chọn và góp thêm giọng đặc trưng miền Nam trên các bản tin thời sự của VTV thôi. Hành trình để tạo dấu ấn cũng như thiện cảm của khán giả đối với tôi cũng chỉ vừa mới bắt đầu và tôi nghĩ mình cần nỗ lực thật nhiều cho hành trình thú vị ấy.

- Có thể nói, anh đã bước đầu chạm được đến điều mình mong muốn khi quyết định ra Hà Nội để đầu quân cho VTV. Đâu là những gạch đầu dòng tiếp theo mà anh muốn chinh phục trên hành trình ấy?

- Quả thật, quyết định đầu quân về VTV là một thử thách chính mình. Vì trước đây khi từ Cà Mau đặt chân lên TPHCM và bươn chải, tìm cơ hội trong một thời gian dài cũng đã là một điều không tưởng với bản thân tôi khi muốn tìm cơ hội việc làm trong môi trường khác. Và việc ra Hà Nội cũng là cách để tôi thử thách bản thân thêm một lần nữa mà thôi. Cuộc sống xa quê phải thật sự ổn định và đảm bảo, nó phải làm cho mình hạnh phúc và phải hơn những gì tôi đạt được ở TPHCM thì tôi mới an tâm gắn bó lâu dài ở đây được. Đó cũng là mục tiêu tiếp theo mà tôi gạch đầu dòng để cố gắng thực hiện trong thời gian tới.

- Trở lại câu chuyện gia nhập VTV, vì sao anh quyết định rời HTV khi mọi thứ vẫn đang tốt đẹp?

- Tôi đến TPHCM được hơn 10 năm. Trong quãng thời gian ấy, việc học và ngay cả khi có được cơ hội vào làm việc tại một trong những đài truyền hình lớn nhất nhì cả nước gần như không có nhiều trở ngại. Nhưng, đôi khi sự thuận lợi ấy lại khiến cuộc sống khá bình lặng. Mà tính cách tôi luôn muốn đổi mới, thách thức bản thân ở nhiều vai trò khác nhau, thử thách thêm nhiều cái mới hơn, khác hơn những gì mà trước đây đã từng trải qua. Tôi nghĩ đó cũng là tâm lý chung của một người trẻ. Và thế là tôi quyết định “tắm mình trong một dòng sông khác”. Tôi cũng có những phân vân, nghi ngại nhất định nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã chọn lựa sự thay đổi! 

- Không chỉ đơn thuần là thay đổi môi trường làm việc, ở đây còn có những khác biệt về văn hóa, cách ứng xử… Anh chuẩn bị gì để bắt nhịp với điều này?

- Tôi khá dễ hòa nhập vào môi trường làm việc mới. Riêng về góc độ ứng xử thì tôi luôn quan sát và lắng nghe người khác muốn gì để có cách hành xử cho phù hợp. Tôi nghĩ mình tử tế thì cũng sẽ nhận lại được những điều tử tế mà thôi. Tôi cũng không quen cách nói ẩn dụ nên nếu có nghe tôi cũng bỏ ngoài tai và chỉ lo làm việc của bản thân. Tôi cũng dành thời gian để đọc sách nhiều hơn. Tôi muốn thẩm thấu thêm văn hóa của Hà Nội, cảm nhận những vết tích lịch sử và văn hóa thâm sâu của nơi này, chẳng phải để làm sang hay cố tạo ra sự thay đổi kiểu “gọt chân cho vừa giày” với cách sống ở đây mà đơn giản chỉ là để tâm hồn mình, góc nhìn mình đa chiều hơn, phong phú hơn.

- Trở thành điều đặc biệt đôi khi cũng đồng nghĩa với áp lực, anh có lo sợ điều này?

- Ngay cả việc ra Hà Nội đã là việc từ trước đến nay ít người nào làm huống chi gác lại những điều căn bản và ổn định tại TPHCM để làm lại từ con số không tròn trĩnh ở một nơi xa lạ thì đối với nhiều người, hành động của tôi “không được bình thường” cho lắm. Nhưng không vì thế mà tôi bị áp lực, trái lại tôi còn nhận được sự thông cảm và chia sẻ của các anh chị đồng nghiệp về những khó khăn mà tôi đang đối mặt. Họ luôn hỗ trợ những khi tôi có khúc mắc gì liên quan đến công việc. Đó như một gia đình mới và họ đã tiếp nhận tôi như một thành viên, dù có thể thành viên ấy hơi khác biệt.

KHẮC THI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục