“Năm 2008 – năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”

Viết tiếp bài “Paris sạch sẽ hơn nhờ... phạt vạ!”

"Con người là sản phẩm tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Chân lý đó không chỉ đúng với thủ đô Paris của nước Pháp theo lời kể của độc giả Đinh Kỳ Thanh trên Diễn đàn văn hóa Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 4-5-2008, mà còn đúng với mọi người, mọi quốc gia, dân tộc.

Tôi nhớ có một thời gian khu chợ gần nhà tôi ra quy định không được bày bán lấn chiếm mặt đường dành cho người đi bộ. Có lần tôi thấy Ban quản lý chợ kéo một chiếc xe chở theo mấy rổ cá, sọt rau quả v.v..., và đi theo sau là các chủ hàng tíu tít van xin. Nhưng do Ban quản lý không kiên quyết xử lý nên tình trạng bừa bộn của khu chợ không hề được cải thiện. Bà con vẫn bày bán la liệt, và mỗi khi thấy bóng dáng của cán bộ quản lý thì họ đánh động lẫn nhau, mọi người nhanh chóng dọn hàng vào, đợi khi cán bộ quản lý đi qua thì lại bày ra như cũ. Thế là quy định của Ban quản lý chợ trở thành trò đùa, chỉ có tác dụng gây phiền hà cho bà con bán hàng, trong khi điều đó lại làm cho một số cán bộ quản lý mất chất, nhũng nhiễu người dân và có môi trường “thi thố”.

Trên đường phố cũng có một thời cảnh sát giao thông phạt rất gắt các lỗi vi phạm, kể cả xử phạt qua hình ảnh camera. Tưởng chừng từ đó tình hình trật tự, an toàn giao thông được cải thiện, nhưng hóa ra chỉ là phong trào, xong đợt thì đâu cũng lại hoàn đấy. Khi nhà nước chủ trương mọi người tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm, các cơ quan báo chí đều loan tin về sự nghiêm chỉnh chấp hành của người dân. Nhưng liệu mọi người có tự giác chấp hành hay không, nếu pháp luật không có biện pháp chế tài nghiêm khắc? Và liệu tình trạng thương vong do tai nạn giao thông có được cải thiện hay không, khi một bộ phận người dân tham gia giao thông muốn “lách luật” bằng cách thay xe máy bằng xe đạp điện?…

Chúng ta thường nghe nói về nếp sống văn minh và ý thức cộng đồng của người dân Singapore. Nhưng cũng như câu chuyện “Paris sạch sẽ hơn nhờ... phạt vạ!” đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, ở đó pháp luật đã đóng một vai trò hết sức quan trọng. Pháp luật không áp đặt được tư tưởng con người, nhưng nó lại là “cấu trúc thượng tầng” có vai trò điều chỉnh hành vi công dân, và từ đó chi phối sự hình thành các mối quan hệ xã hội.

Phan Hoàng Chí Hiếu
(Công ty Tenimex – Thiên Nam)

Tin cùng chuyên mục