Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài – Cây đại thụ của văn học Việt Nam

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài – Cây đại thụ của văn học Việt Nam

(SGGP).– Trưa 6-7, nhà văn Tô Hoài (ảnh), cha đẻ của tác phẩm văn học nổi tiếng Dế mèn phiêu lưu ký đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27-9-1920, tại huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Hà Nội trong gia đình thợ thủ công. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Nhà văn Tô Hoài được coi là cây đại thụ trong khu rừng văn học hiện đại Việt Nam. Nói đến ông, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội; Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc; Tô Hoài của Dế mèn phiêu lưu ký và những sáng tác cho thiếu nhi; Tô Hoài của hồi ký, tự truyện...

Ở phương diện nào, nhà văn Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một gương mặt riêng không thể nhòe lẫn trong cái thế giới nghệ thuật hết sức đa dạng ấy, về mặt thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, bút ký đến chân dung văn học… Đặc biệt, nhà văn Tô Hoài có biệt tài quan sát tập tính các loài vật hơn bất cứ nhà văn Việt nào từ trước tới nay. Ông viết giản dị đến mức tự nhiên, như là hít thở khí trời, cơm ăn, nước uống.

Truyện dài Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông dành cho độc giả thiếu nhi. Từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1942, Dế mèn phiêu lưu ký được tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách lập kỷ lục khi trở thành tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. Đến nay đã có gần 20 quốc gia dịch và phát hành Dế mèn phiêu lưu ký.

Tính đến nay, sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận... Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 1 năm 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Cuộc đời này, tôi sống vắt mình suốt từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 cho đến tận bây giờ. Mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời tôi đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này”. Có lẽ vì thế mà những ký ức về Hà Nội luôn đong đầy trong những trang văn và câu chuyện của nhà văn Tô Hoài.

Trong quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình, nhà văn Tô Hoài cũng từng đoạt được nhiều giải thưởng lớn: Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 (với tác phẩm Tây Bắc); giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 (với tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970 (với tiểu thuyết Miền Tây)...

MAI AN

Tin cùng chuyên mục