Vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đức Toàn

Vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đức Toàn

Ngày 7-10, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (ảnh), tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với âm nhạc cách mạng Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội. Là bậc thầy của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng ông đến với âm nhạc chỉ như sự tình cờ rồi mới trở thành một duyên phận, thành cái “nghiệp” để người nghệ sĩ tài hoa ấy gắn bó, đeo đẳng suốt cuộc đời.

Nhạc sĩ, họa sĩ  Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10-3-1929 tại Hà Nội. Đến với nghệ thuật, Nguyễn Đức Toàn theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, ông gia nhập các đoàn biểu tình đi cướp trại bảo an binh, đi mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn và cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận lập ra dàn nhạc nhỏ, tiền thân của Đoàn kịch Sao Vàng (tổ chức ca nhạc đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám).

Trong kháng chiến chống Pháp, ông được biết đến nhiều qua bài hát nổi tiếng Quê em. Từ khi làm Phó đoàn Đoàn Văn công Việt Bắc, ông vừa là diễn viên kịch, vừa vẽ minh họa và trình bày báo, vừa sáng tác. Những bài Chiều hậu phương, Lúa mới và một số ca cảnh được ông viết trong thời kỳ này.

Hòa bình lập lại, ông vừa chỉ đạo Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, vừa tu nghiệp thêm sáng tác. Bài hát Mời anh đến thăm quê tôi được xem như một bước chuyển đổi trong bút pháp Nguyễn Đức Toàn. Sau đó, ông viết hàng loạt tác phẩm về liệt sĩ: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi… Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông có các ca khúc: Đào công sự, Bài ca người lái xe, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Khâu áo gửi chiến sĩ… Từ năm 1968 đến 1979, ông tu nghiệp tại Nhạc viện Kiev (Ukraine) và là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc lớn (Sonate viết cho violon và được dàn dựng tại Moscow; Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc, dựng với dàn nhạc Novosibirsk; hợp xướng Bài ca xây dựng; Tiếng hát buổi bình minh; Bài ca chiến thắng...). Về sau, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cũng có nhiều ca khúc đi vào lòng công chúng như: Câu chuyện tình yêu, Chiều trên bến cảng, Tình yêu biển cả…

Thành công ở lĩnh vực mới, nhưng niềm đam mê cũ vẫn cháy bỏng trong con người nghệ sĩ tài hoa của ông để cùng hòa quyện trong một tác phẩm, dù đó là âm nhạc hay hội họa. Cũng bởi thế, nói Nguyễn Đức Toàn thiên về âm nhạc hơn hội họa, hay thiên về hội họa hơn âm nhạc đều không thỏa đáng. Bởi giữa hai loại hình nghệ thuật ông đã theo đuổi thì nhạc phẩm của ông đầy màu sắc và hình tượng, còn trong mỗi bức vẽ lại dạt dào những giai điệu.

Trên nửa thế kỷ sống, gắn bó với cách mạng và nghệ thuật, dù vẽ tranh hay viết nhạc, với nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn tất cả đều như duyên số. Mọi điều cứ tự đến rồi ở lại với ông, tri kỷ với ông, như một cuộc hẹn hò không báo trước. Năm 2000, ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục