Vĩnh biệt Trung tướng Lê Nam Phong

Mấy hôm trước, hay tin ông đang nằm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện 175, tôi dự định vào thăm. Nhưng Vũ Hường, con trai nghĩa tử của ông, ngăn lại: Bệnh viện không cho thăm đâu anh. Không như mấy lần ông bệnh nặng trước, linh tính cho tôi biết, lần này ông khó qua khỏi.

Sáng qua, 26-3-2022, Vũ Hường nhắn tin cho tôi: “Ông về nhà rồi”. Tôi vội vàng đến ngôi nhà quen thuộc số 19 đường Thống Nhất, TP Thủ Đức. Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2, nghẹn ngào: “Ông sắp đi rồi, chú vào gặp ông lần nữa đi”.

Người đến thăm mỗi lúc một đông. Phần lớn là cựu chiến binh, những người bạn chiến đấu, những người lính của ông một thời. Chỉ còn ít ngày nữa, ông tròn 75 năm tuổi Đảng. Hình như ông vẫn chờ. Cho đến khi tổ chức công bố quyết định trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, ông mới trút hơi thở cuối cùng. Đó là 11 giờ 17 phút ngày 26-3-2022.

Ông là Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên “Đại đội trưởng đầu trọc” đánh trận Điện Biên Phủ năm 1954; nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Tên tuổi của ông gắn liền với những chiến công của Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia; Quân đoàn 1 thời chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Có lần, Tư lệnh Lê Nam Phong về Hải Hậu (Nam Định) thăm một cán bộ dưới quyền, đã nghỉ hưu. Đó là cựu Trung đoàn trưởng Vũ Bầu. Mục sở thị cảnh thiếu thốn, khó khăn của đồng đội, trước khi ra về, ông gọi Vũ Bầu ra gặp riêng rồi cởi hết quân phục dài, đồng hồ, giày sĩ quan và móc ví đưa hết số tiền còn lại cho Vũ Bầu. Đêm đông, Tư lệnh mặc quần đùi lên xe chạy về Bộ Tư lệnh.

Rồi khi đến Bình Phước, nơi có địa danh Đường 13 - Tàu Ô - Xóm Ruộng, nơi gần 2.000 cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 7 nằm lại, ông không cầm được nước mắt. Đứng trên trận địa xưa, ông ước nguyện sẽ xây dựng nơi đây một khu tưởng niệm để tri ân liệt sĩ và để giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước cho con cháu. Ông nghĩ và ông làm. Tuy tuổi cao sức yếu, ông vẫn cùng Ban Liên lạc Bạn chiến đấu “chống gậy”, gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị và những người hảo tâm, vận động tài chính để xây khu tưởng niệm liệt sĩ. 

Vĩnh biệt Trung tướng Lê Nam Phong ảnh 1 Trung tướng Lê Nam Phong

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 (thời Trung tướng Lê Nam Phong làm hiệu trưởng) có mặt trong giờ phút lâm chung của người anh, kể lại: Cuộc đời và chiến trận của ông Nam Phong là một tấm gương sáng cho các thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ noi theo.

Nhập ngũ từ thời Tháng Tám Mùa Thu, lên đường làm cách mạng khi đọc chữ chưa rõ, ông Nam Phong đã tự học, từ rèn luyện; từ người lính trận trở thành tướng trận. Phẩm chất cao đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong ông Nam Phong rất rõ. Đó là sự “Trung với nước, hiếu với dân; tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Đó còn là bản lĩnh và tính quyết đoán của một người chỉ huy, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai kể lại, đối với Trường Sĩ quan Lục quân 2, ông Lê Nam Phong để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Đó là việc ông cùng tập thể Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 2 xây dựng nên “thương hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 2- Đại học Nguyễn Huệ”. Tiền thân là Trường Quân chính sơ cấp Quân Giải phóng Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, Trường Sĩ quan Lục quân 2 thiếu hụt mọi thứ, nhất là trình độ của đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ông Nam Phong chủ động liên kết với Học viện Lục quân và Đại học Mở TPHCM đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chỉ trong thời gian ngắn, với bản lĩnh và tính quyết đoán của hiệu trưởng Lê Nam Phong, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã là cơ sở giáo dục đủ tiêu chuẩn đào tạo sĩ quan bậc đại học và trên đại học. 

Trái tim của vị tướng dạn dày trận mạc đã ngừng đập ở tuổi 95. Ông sẽ gặp những người lính trận đã nằm lại ở Điện Biên Phủ, ở miền Đông gian lao mà anh dũng, ở biên giới địa đầu Tổ quốc và ở các phum sóc trên nước bạn xa xôi...

Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Trung tướng Lê Nam Phong, một vị tướng trận tài danh và đức độ, một người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Tin cùng chuyên mục