Vinh danh hào kiệt đương thời

Đã có rất nhiều công trình trong và ngoài nước phân tích, giải mã những nét đặc trưng, những kỳ tích trong công cuộc dựng nước, bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước của con người Việt Nam. Có lẽ, bài “Bình Ngô Đại Cáo” của người anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã khái quát nêu bật được thần thái của vấn đề nêu trên. Hãy đọc lại một đoạn: “Từ Đinh, Lê, Lý, Trần xây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương. Dẫu cường, nhược có lúc khác nhau; song hào kiệt đời nào cũng có…”.

Với Nguyễn Trãi, nhân tố hào kiệt chính là hạt nhân tạo nên sức mạnh vĩ đại của Việt Nam. Cũng có thể coi đây là chân lý cho sự phát triển, cho tiến bộ xã hội.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ, ở bất kỳ thời điểm nào cũng có những người tài giỏi yêu nước thương dân, những người đi tiên phong khám phá những cái mới, những con người điển hình cho cái đẹp, cái thiện, kiên cường, kiên định phụng sự cho lý tưởng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Những người mà Nguyễn Trãi gọi là hào kiệt ấy không phải ai cũng được khắc trên bia đá, ai cũng được lưu danh vạn cổ. Có hàng vạn hào kiệt ẩn danh để lưu danh đất nước, dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, ở mọi thời kỳ lịch sử, trách nhiệm của những nhà lãnh đạo đất nước, của các cấp quản lý xã hội đều phải ghi nhận, tôn vinh những hào kiệt đương thời.

Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi ký văn học “Chân dung người đương thời” chính là muốn góp phần chia sẻ trách nhiệm này với các cấp quản lý. Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm sâu rộng các tầng lớp nhân dân và giới sáng tác văn học. Hết thảy đều tán đồng, đồng cảm với mục đích, ý nghĩa cuộc thi. Các tác giả từ khắp cả nước đã gửi bài tham dự và hưởng ứng trong đó có nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo nổi tiếng. 170 chân dung “Người đương thời”, những hào kiệt của thời kỳ đất nước đang “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được phát hiện giới thiệu. Họ là những nhà khoa học, những cán bộ công chức, những doanh nhân, những chiến sĩ quân đội nhân dân, những thầy cô giáo, những công nhân, nông dân…

Chân dung của họ được thể hiện chân thật với những đường nét sinh động, những gam màu tươi sáng. Tất cả đều toát lên cái đẹp của tài năng, của nghị lực, của ý chí, của tinh thần vượt khó, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân để phục vụ sự nghiệp đổi mới, vì đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Có rất nhiều thư từ, điện thoại của độc giả gửi tới hỏi thăm, tìm hiểu thêm đời sống của “những người đương thời” đăng tải trên báo.

Sự thành công của cuộc thi đã được ghi nhận. Có thể cách thể hiện, ngôn ngữ văn học trong các bài viết chưa thật sinh động, nhưng với sự chân thật rõ ràng, với sự chuẩn xác của con người, sự việc, chân dung Người đương thời là những hình tượng đẹp có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Người xưa, người nay đều nói “Việc xấu dù nhỏ đến mấy cũng không làm; việc tốt dù nhỏ đến mấy cũng làm”. Cuộc thi ký văn học “Chân dung người đương thời” đã góp phần thúc đẩy xã hội thường xuyên ghi nhận, vinh danh những hào kiệt đương thời.

TRẦN VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục