Thật đáng buồn khi vịnh Hạ Long đứng trước nguy cơ bị “đầu độc” bởi đủ loại nước thải, chất thải, dầu thải…
Từ nhiều năm nay, trên vịnh Hạ Long - Quảng Ninh đã xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp, đơn vị thi công xây dựng lén lút đổ trộm bùn thải xuống lòng vịnh, thậm chí không chỉ xả ở ven bờ mà thường sử dụng các tàu (sà lan) chở bùn ra tận khu vực lõi (giữa vịnh) để đổ trộm. Mới đây nhất, vào ngày 21-11, lực lượng kiểm tra liên ngành TP Hạ Long bắt quả tang 2 tàu trọng tải lớn mang số hiệu HP 2338 và HP 3695 lén đổ bùn thải tại khu vực hòn Bái Đông thuộc vùng lõi vịnh Hạ Long. Theo Đội Kiểm tra vi phạm thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long, lượng bùn thải mà hai tàu đã xả xuống vịnh lên tới gần 300m³.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vài năm trở lại đây, mỗi khi cảng Cái Lân tổ chức nạo vét luồng lạch lại xuất hiện tình trạng tàu chở bùn lén lút xả thải xuống vịnh Hạ Long. Phía cảng Cái Lân thường thuê đơn vị nạo vét bên ngoài nên không quản lý việc bùn nạo vét được đổ ở đâu. Còn nhớ vào khoảng năm 2008, khi vịnh Hạ Long cạn nước, ở giữa vịnh đã từng nổi lên một “con lươn” khổng lồ như một đường bờ bao. Theo xác định của Ban Quản lý vịnh Hạ Long thì đó chính là hậu quả của rất nhiều vụ lén lút đổ trộm bùn thải, đất thải, đã tạo nên cái bãi nổi như thế. Gần đây, tháng 7-2013, cơ quan chức năng bắt quả tang Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh xả trộm nước thải ra vịnh Hạ Long, nhưng sau đó UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ ra mức phạt là 130 triệu đồng.
Không chỉ đang âm thầm bị biến thành nơi xả bùn thải, đất thải mà theo nghiên cứu, khảo sát của nhiều cơ quan khoa học về môi trường thì từ nhiều năm nay, vịnh Hạ Long còn bị đầu độc bởi nguồn dầu thải và nước thải của các nhà hàng, khu du lịch ở TP Hạ Long. Trong đó, kết quả điều tra, nghiên cứu của Viện Tài nguyên môi trường biển và mới đây là kết quả quan trắc của Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho thấy, vùng nước mặt của vịnh Hạ Long đang bị ô nhiễm dầu - mỡ khoáng hàm lượng khá cao. Riêng khu vực cảng Cái Lân có hàm lượng dầu trong nước biển gấp 18 lần tiêu chuẩn cho phép. Ít nhất 1/3 diện tích mặt vịnh thường xuyên có hàm lượng dầu từ 1 đến 1,73mg/l.
Đây là nguồn dầu gây ô nhiễm của hàng trăm tàu du lịch và tàu chở hàng ra vào cảng Cái Lân cũng như giữa Hòn Gai, Cẩm Phả. Mặc dù từ năm 2006, UBND tỉnh Quảng Ninh đã dừng toàn bộ hoạt động chở than của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam trên vịnh Hạ Long để bảo vệ môi trường và giữ cảnh quan, nhưng theo xác nhận của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện số lượng tàu du lịch ở đây đã phát triển lên hơn 450 tàu, chưa kể mỗi ngày gần 1.000 lượt tàu vận tải hàng hóa, tàu biển quốc tế, tàu đánh bắt thủy sản vào ra.
Từ nhiều năm nay, khu vực chạy ven bờ vịnh thuộc Khu du lịch Bãi Cháy đã không thể tắm được (khách du lịch chỉ dám tắm ở khu bãi biển nhân tạo đảo Tuần Châu, nhưng so với các bãi tắm trong khu vực như Cát Bà - Hải Phòng, Quan Lạn và Cô Tô - cũng nằm trong cùng khu vực vịnh Hạ Long - Bái Tử Long thì không thể nào so sánh được). Thậm chí, ngay ngoài “bãi tắm mini” của các đảo như Titop, đảo Soi Sim… nằm giữa vịnh, hiện nay nước cũng rất đục, bơi chỉ cách 1m mà đã không nhìn rõ người bên cạnh và nhiều khách du lịch cho biết, tắm xong có thể bị ngứa, dị ứng. Tại các bãi neo tàu ở cửa hang Sửng Sốt, Thiên Cung Đầu Gỗ, rồi làng chài Vung Viêng, rác khách du lịch vứt xuống biển nổi cùng vết dầu loang.
Nguồn dầu thải của tàu không chỉ làm vẩn đen nguồn nước ở TP Hạ Long mà cả khu vực cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Tương lai, nếu không được quản lý tốt thì ngay cả khu vực đảo Tuần Châu (hiện đã đưa bến tàu du lịch mới đi vào hoạt động) cũng có thể bị ô nhiễm. Theo nhiều người, sở dĩ vịnh Hạ Long ô nhiễm dầu và rác như hiện nay là do chính quyền đã cấp phép cho quá nhiều tàu du lịch hoạt động, trong khi khả năng thu gom, xử lý dầu thải, chất thải của các tàu không đảm bảo.
Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đã nỗ lực giải quyết thực trạng ô nhiễm, như đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nguồn nước thải từ khu dân cư ở TP Hạ Long đưa về trung tâm xử lý với công suất 3.500m³/ngày để giảm phần nào ô nhiễm, song ô nhiễm môi trường và nguồn nước vịnh Hạ Long hiện nay vẫn đang ở mức báo động, đòi hỏi phải có chính sách quản lý tốt hơn để bảo vệ di sản.
PHÚC HẬU