Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long dần chuyển hướng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những mặt hàng nông sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng nhiều. Những cánh đồng mẫu lớn mở ra hướng sản xuất liên kết. Trong đó, đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao.
Dấu ấn tái cơ cấu
Vượt qua khó khăn về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp đang gặt hái thắng lợi trên nhiều lĩnh vực. Đáng ghi nhận, sau gần 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã tạo nhiều chuyển biến, các mô hình sản xuất không còn dàn trải mà tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có quy mô, chất lượng tốt và xây dựng thương hiệu. Chuyển dịch cây trồng đúng hướng, theo cơ cấu giảm diện tích lúa, tăng hoa màu.
Năm 2014, năm đầu thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã vận động nông dân chuyển đổi được 1.700ha lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn; trên 80% diện tích sử dụng giống xác nhận và tương đương nên năng suất bình quân đạt 6,03 tấn/ha, tăng 3% so với năm 2013. Diện tích màu đạt hơn 35.000ha, trong đó luân canh tăng gần 8%, hình thành nhiều vùng sản xuất màu có quy mô lớn, tập trung. Từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai 27 dự án sản xuất với kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng.
Bưởi Năm Roi, một trong những đặc sản của Vĩnh Long (Ảnh: VINH HIỂN)
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long Phan Nhựt Ái, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất là ưu tiên thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ngành đã hình thành các mô hình kiểu mẫu như cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 11.000ha tại 7 huyện, sản xuất từ 1 - 2 giống chất lượng cao và đã có 5 mô hình đạt chứng nhận VietGAP với diện tích trên 180ha. Bên cạnh, nhiều chính sách tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nông sản. Trên cây lâu năm, sẽ định hướng canh tác hình thành vùng sản xuất lớn có thương hiệu và phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực như bưởi Năm Roi (Bình Minh), cam sành Tam Bình, chôm chôm Tích Thiện (Trà Ôn). Vùng rau màu khuyến khích sản xuất mô hình chuyên canh, luân canh theo hướng an toàn cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các huyện: Bình Tân, Bình Minh, Long Hồ... đem lại lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Chăn nuôi tuy gặp khó khăn về dịch bệnh nhưng nhìn chung vẫn có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là chăn nuôi bò, heo. Thủy sản phát triển rất mạnh, tốc độ tăng bình quân 43,35%/năm với đa dạng chủng loại, có thế mạnh cạnh tranh. Đáng chú ý, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa, với 100% khâu thu hoạch và hơn 96% khâu làm đất. Nhiều giống cây trồng - vật nuôi mới đưa vào sản xuất, từng bước đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Công nghiệp phục vụ nông nghiệp
Trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, địa phương đã xác định lấy công nghiệp làm hướng đột phá, nhưng vẫn ưu tiên công nghiệp chế biến từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp - thủy sản; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp. Điều này cho thấy, trong 5 năm tới, phát triển kinh tế vẫn phải dựa không nhỏ vào nông nghiệp. Tuy nhiên, có thực tế đáng lo ngại là giá trị sản xuất ngành này hiện vẫn tăng trưởng nhưng với chiều hướng chậm lại. Nếu giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất tăng bình quân 6,7% thì đến giai đoạn 2010-2015 chỉ tăng gần 3%. Theo định hướng giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 3,5%. Và để đạt chỉ tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Long cần có những kế hoạch phát triển đồng bộ. Đặc biệt, đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần đi vào trọng tâm, có định hướng.
Góp ý với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long về kinh nghiệm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gần đây, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, giảng viên Chương trình Fulbright (TPHCM), đã đưa ra cảnh báo về những rào cản như cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng, nhất là về hạ tầng giao thông… Để giải quyết các vấn đề này, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cho rằng, Vĩnh Long cần bỏ tư duy “chị nuôi” đứng ở cửa sau đảm bảo bếp ăn cho cả nước, mà cần phải tiến lên cửa trước, trở thành một “tiểu thương” chuyên nghiệp; phải nâng tầm nông nghiệp từ sản xuất thô sơ đi vào công nghiệp hóa nông nghiệp. Vĩnh Long phải năng động xây dựng cơ chế liên kết vùng, mở rộng thị trường... mới chủ động được sản xuất; xây dựng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế trong mỗi công đoạn xây dựng thương hiệu; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt phải xây dựng được trung tâm chế biến lương thực - thực phẩm chất lượng cao và đô thị sinh thái du lịch để khẳng định vai trò, tạo sự phát triển bền vững.
Thạc sĩ Phan Nhựt Ái cũng đưa ra định hướng thời gian tới cho nền nông nghiệp là phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp mạnh về cây - con chủ lực, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản. Đồng thời, tổ chức mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn, mời gọi đầu tư vào chế biến để tăng giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất.
MINH HOÀNG