Vĩnh Long xây dựng cánh đồng mẫu rau màu

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất cây màu luân canh trên nền đất lúa giai đoạn 2014 - 2015”, do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí thực hiện trên 6 tỷ đồng, từ nguồn Chương trình giống và khuyến nông được bố trí giai đoạn 2014 - 2015.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất cây màu luân canh trên nền đất lúa giai đoạn 2014 - 2015”, do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí thực hiện trên 6 tỷ đồng, từ nguồn Chương trình giống và khuyến nông được bố trí giai đoạn 2014 - 2015.

Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trên địa bàn 4 huyện Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít và Trà Ôn, ưu tiên các xã điểm xây dựng nông thôn mới có quy hoạch luân canh lúa màu. Theo dự án, sẽ xây dựng 4 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất cây màu (bắp, đậu nành, mè, khoai mỡ) luân canh trên nền đất lúa trong 2 năm với quy mô mỗi loại là 40ha; mở 16 lớp tập huấn hướng dẫn nông dân, tổ hợp tác vùng dự án ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong từng giai đoạn cụ thể của các quy trình sản xuất; tổ chức 14 cuộc hội thảo đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, khuyến cáo nhân rộng mô hình trình diễn và 2 cuộc hội thảo xúc tiến thương mại; chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn cho 120ha (30ha mè, 30ha đậu nành, 30ha khoai mỡ, 30ha bắp luân canh trên nền đất lúa). Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng các vùng sản xuất cây màu luân canh trên nền đất lúa đạt năng suất, chất lượng, an toàn, hướng đến chứng nhận VietGAP. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và định hướng cho nông dân một số loại hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tăng năng suất cây trồng, thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.

CỬU LONG

* Đắk Nông: Nhiều cầu treo, cầu tạm cần được tu sửa

(SGGP).- Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết: Toàn tỉnh có 17 cầu treo và 164 cầu tạm (đa số là cầu dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) đang cần được tu sửa. Phần lớn những cây cầu này làm bằng gỗ, không có lan can bảo vệ, không quy định tải trọng và lại nằm trên các khe suối nhỏ rất nguy hiểm. Hiện nhiều cầu ở huyện Krông Nô, Đắk Mil và Tuy Đức đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, trụ gỗ rỉ mọt, ván cầu bay đứt, dây cáp, ốc vít han gỉ… Dù biết không an toàn nhưng người dân và chính quyền địa phương cũng đành bó tay do không có kinh phí tu bổ, sửa chữa.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT tỉnh Đắk Nông đã quyết định sử dụng 3,6 tỷ đồng vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ để ưu tiên sửa chữa lại các cầu xuống cấp nặng. Cùng với kinh phí trên, các huyện đã huy động thêm nguồn quỹ địa phương, người dân góp công để nhanh chóng sửa chữa các cầu.

HUỲNH THỦY

* Hà Tĩnh: Phát hiện ngôi mộ cổ thời Lê

(SGGP).- Ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình vận hành máy đào, san ủi đất tại địa bàn cánh đồng Bồi Hoa (thuộc thôn 13, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên), nhóm công nhân của Công ty cổ phần Gạch ngói Cầu Họ vừa phát hiện được một ngôi mộ cổ nằm ở độ sâu 4m dưới lòng đất.

Ngay sau khi phát hiện được ngôi mộ cổ này, các công nhân cùng chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ hài cốt trong ngôi mộ về nghĩa trang của xã, riêng phần quan tài được làm bằng thân cây gỗ khoét rỗng hình thuyền (chiều dài 2,20m, chiều rộng 0,50m, bằng chất liệu gỗ dâu đen bóng…) được trục vớt lên trên mặt đất, đồng thời báo với các cơ quan chức năng đến hiện trường nghiên cứu xử lý.

Theo nhận định ban đầu của một số nhà nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh, đây có thể là một ngôi mộ cổ được táng thức theo tập tục của người Việt cổ là chiếc quan tài dạng hình thuyền bằng thân cây khoét rỗng có niên đại muộn nhất từ thời Lê (thế kỷ XVI - XVII) trở về trước. Loại mộ cổ hình thuyền này đã được phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục