Vinh quang và thử thách

“Khi mọi người chạy ra, chúng tôi lao vào”, đó là câu nói súc tích nhưng đủ ý nghĩa nhất mà cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ thường nói mỗi khi nhắc đến đặc thù nghề nghiệp. Cam go người làm nghề cứu nạn cứu hộ (CNCH) đối mặt, đó là những câu chuyện dù kể đi kể lại nhiều lần thì vẫn là những câu chuyện đáng được nhắc lại. 

Bằng mọi giá đưa nạn nhân trở về

Cuộc tìm kiếm sau khi tàu Dìn Ký chìm trên sông Sài Gòn cách đây 10 năm là một câu chuyện khiến mọi người nhớ mãi. Dù một thập niên đã trôi qua nhưng cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC-CNCH TPHCM (nay là Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH - PC07, Công an TPHCM) thực hiện nhiệm vụ ở tàu Dìn Ký khó kìm cảm xúc mỗi khi nhớ về cuộc tìm kiếm gian khổ, thương tâm. 

Tối 20-5-2011, tàu Dìn Ký lật ngang rồi chìm xuống sông Sài Gòn (địa phận tỉnh Bình Dương). Là cán bộ tăng cường trực chỉ huy mang cấp bậc thượng úy khi đó, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành (Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH) là một trong những người lính chiến đấu với dòng nước xiết, tìm người gặp nạn. Mưa như trút nước, lục bình phủ kín mặt sông khiến lực lượng tìm kiếm không thể xác định rõ vị trí tàu chìm. Suốt đêm, mọi nỗ lực không có kết quả.

Anh Thành kể, tiếng kinh cầu siêu cùng tiếng gào khóc vang vọng giữa đêm tối. Những chiến sĩ làm nhiệm vụ vừa áp lực, vừa đau xót. Lần theo vết dầu loang đến rạng sáng hôm sau, các anh mới tìm thấy tàu gặp nạn. Dù đã chìm nhưng tàu vẫn lắc lư theo dòng nước xiết.

Anh Thành lý giải: “Tình trạng tàu không cố định rất nguy hiểm với người vào bên trong tìm kiếm. Tôi và đồng đội có thể gặp nguy hiểm nếu không tránh nổi sức va đập. Các mũi tìm kiếm phải tính toán kỹ lưỡng thời điểm vào tàu cũng như đội hình tác chiến”.  

Vậy mà, mọi người kiên trì suốt 12 giờ. Các chiến sĩ lặn, bơi vào từng phòng, từng ngóc ngách trong tàu. Mãi đến trưa, anh và đồng đội phát hiện 15 thi thể chung một phòng ở tầng 1. Họ bị đồ đạc đè lên, sình lầy vùi lấp. Mỗi khi nhắc đến thảm họa tàu Dìn Ký, những chiến sĩ tham gia ngày ấy chưa thôi rơi nước mắt. 

Vinh quang và thử thách ảnh 1 Lực lượng cứu nạn cứu hộ thuộc PC07, Công an TPHCM tham gia tìm người gặp nạn dưới hang sâu ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Nhiều năm qua, Đội Công tác chữa cháy và CNCH, PC07 tham gia không biết bao nhiêu nhiệm vụ tìm kiếm người gặp nạn dưới nước. Bất cứ hoàn cảnh nào, các anh luôn tự nhủ nhất định phải đưa nạn nhân trở về bên gia đình, bằng mọi giá. 

Hiểm nguy trong hang sâu

Một trong rất nhiều nhiệm vụ cam go thử thách cán bộ, chiến sĩ CNCH là những hiện trường tìm kiếm nơi hang sâu hiểm trở. Lần tìm kiếm hài cốt ở hang Cốc Chia (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là minh chứng về hành trình gian nan như thế. 

Tháng 11-2019, tổ công tác gồm 6 người thuộc PC07, Công an TPHCM hỗ trợ tỉnh Cao Bằng tìm một thanh niên có liên quan đến vụ án mạng. Theo xác minh, người này có thể lẩn trốn trong hang Cốc Chia.

Dẫn đầu tổ công tác khi ấy, anh Nguyễn Chí Thành nhớ mặt hang thẳng đứng; miệng hang rộng 8m2 nhưng sâu đến 220m. Càng vào sâu, đường kính hang càng hẹp. Lúc này, miệng hang có nguy cơ sập vì thời tiết quá xấu; nhiệt độ bên trong quá thấp khiến việc tìm kiếm gặp không ít trắc trở. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, người vào hang có thể chung số phận với nạn nhân. Tìm thấy và xác định nạn nhân tử vong, việc đưa thi thể ra ngoài còn gian nan hơn khi các anh vào hang. “Mùi bốc ra từ thi thể người gặp nạn khiến chúng tôi muốn ngộp thở. Chúng tôi hết đu dây, chui, rồi bò mới an toàn ra tới miệng hang”, các chiến sĩ kể lại. 

Tháng 2-2020, một người dân mắc kẹt trong hang sâu 280m ở huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Cán bộ, chiến sĩ PC07, Công an TPHCM tiếp tục nhận nhiệm vụ tìm người. Khảo sát hiện trường, lực lượng cứu nạn nhận định hang có nhiều thành đá trơn trượt, cực kỳ nguy hiểm. Bất lợi thời tiết một lần nữa trở thành thử thách. Trời mưa không ngớt, nước chảy xiết kèm theo đất, đá đổ từ đỉnh đồi xuống miệng hang uy hiếp tính mạng mọi người. Diễn biến thực tế chỉ cho phép một người vào sâu trong hang. Lúc này, thi thể bắt đầu phân hủy rồi bốc mùi. Sau nhiều nỗ lực tác chiến một mình trong hang sâu với không ít sự cố (bộ đàm mất tín hiệu...), anh Thành đưa thi thể người gặp nạn vẹn toàn ra khỏi hang. 

Nhớ về lần ấy, Thượng úy Trần Văn Thịnh (người giữ dây bảo hộ ở miệng hang) nhớ lại mọi người luôn hồi hộp, căng thẳng suốt quá trình tìm kiếm nạn nhân. Khi thấy anh Thành bò lê đến miệng hang, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm. 

Bật mí về đặc thù nghề nghiệp, Thượng úy Trần Văn Thịnh khẳng định không có trường lớp nào đào tạo bài bản nghề CNCH. Trường học duy nhất giúp cán bộ, chiến sĩ giỏi nghề là va chạm thực tiễn, người đi trước dìu dắt, dạy người đi sau. Trước mọi nhiệm vụ, từ đơn giản như bắt tổ ong đến cực nguy hiểm như tìm người dưới hang sâu, các anh đều nghiêm túc thận trọng, chiến đấu hết mình. Chỉ cần người dân gọi đến, cán bộ, chiến sĩ không từ nan lao vào chốn nguy hiểm.

Tận tụy - tận tâm - tận lực với nghề


PC07, Công an TPHCM thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt, tập huấn hay nghe kể chuyện về Bác Hồ. Đó luôn là bài học sinh động, thực tế thu hút cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập, noi gương. Làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị nêu cao tinh thần tận tụy - tận tâm - tận lực với công việc. Lời Bác dạy là động lực giúp mỗi cá nhân tận hiến khi đảm nhận nhiệm vụ cứu người đầy gian khó nhưng thiêng liêng, đáng tự hào.

Tin cùng chuyên mục