Dù cả nước đang bộn bề lo toan chuyện lũ lụt, dịch bệnh… nhưng mấy ngày qua câu chuyện cô bé quê mùa thất học suốt hơn 13 năm trời phải sống trong sự hành hạ dã man vẫn cứ trở thành nỗi ám ảnh, nỗi đau, xoáy vào tâm can bao người. Thương xót, oán thán, giận dữ, phẫn nộ, bao cảm xúc đã tràn lên các báo đài và cả rộng khắp cộng đồng blog.
Thời điểm này, hai kẻ man rợ đã bị lên án và chắc chắn sẽ bị trừng phạt thích đáng, những người thờ ơ, tắc trách của các cơ quan công quyền, đoàn thể sẽ bị chỉ trích, kỷ luật, cô gái đã nhận được sự chở che, bao bọc. Nhưng từ câu chuyện chấn động này, bao vấn đề đang được lật xới, đánh động… Không nghe, không biết, không thấy - câu trả lời - sự rũ bỏ, đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền và đoàn thể sở tại, là không thể chấp nhận. Với cách hành xử như thế, chả trách người dân ở đây suốt quãng thời gian dài đã không tin, không tìm đến họ như một chỗ dựa cho những nhân tố tích cực, để thực hiện trách nhiệm công dân của mình. Bộ máy công quyền như thế, ai sẽ bảo vệ những người dân trung thực - những người biết tôn trọng các giá trị đạo đức, còn niềm tin vào công lý, dám tố cáo những điều xấu xa, độc ác.
Lối sống cách biệt, khép kín, thờ ơ, ít chia sẻ với cộng đồng, kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” cũng là điều cần phải ngẫm nghĩ, soi xét. Cuộc sống hôm nay dường như ai cũng hối hả đôn đáo, cuốn theo chuyện cơm áo, gạo tiền, danh lợi và những bổn phận với gia đình, xã hội; thời gian, tâm trí đâu quan tâm đến những điều “vụn vặt” xung quanh, hơi sức đâu “chĩa mũi” vào chuyện người khác.
Mặt khác, khi những người tốt, người tử tế không quan tâm đến nhau, không biết liên kết chặt chẽ với nhau thì cái xấu, cái ác thông đồng tiếp tay cho nhau, tác oai tác quái, người dân sợ pháp luật thì ít, sợ kẻ phạm pháp thì nhiều, âu cũng là lẽ thường tình. Tâm lý làm ngơ trước cái xấu cái ác, sợ bị trả thù đến khiếp nhược… đã là bước trượt đầu của sự sa sút về lương tâm, đạo đức. Sự thờ ơ, vô tâm của cộng đồng vốn dĩ không phải là tội lỗi, nhưng trong những trường hợp này nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho cái ác nảy sinh, bám rễ và lan tràn.
Chắc hẳn, chính mỗi chúng ta cũng đã không ít lần, vô tình hay cố ý ngoảnh mặt làm ngơ trước những điều đau lòng, nhức nhối, lo vun vén cho sự bình yên của riêng mình mà dửng dưng trước nỗi thống khổ của đồng loại. Ra đường thấy người bị móc túi cũng không dám lên tiếng, thấy người bị hà hiếp, oan ức chẳng dám bênh vực, thấy láng giềng xỉ vả, đánh đập con cái mà chẳng dám can gián đó sao.
Chúng ta cũng đã từng gặp nhan nhản những cảnh đời thương tâm, những em bé phục vụ nơi quán xá, đánh giày, bán hoa, vé số, ăn xin… nhưng nào mấy ai mảy may quan tâm đến các em xem có bị hành hạ, ngược đãi, lạm dụng hay không. Chuyện của em Bình chắc cũng chẳng phải là cá biệt.
Cám ơn người phụ nữ nhân hậu, đã thương người như thể thương thân, tìm mọi cách để giải cứu cô gái. Thật bình dị mà cao quý, đáng để cho nhiều người dân và cả các bậc “công bộc” của dân soi lại mình.
Dẫu biết đã muộn màng, song vẫn khẩn thiết lắm sự thức tỉnh trách nhiệm của cộng đồng.
Trần Bạch Tuyết