Vỡ đá trồng hoa

Vỡ đá trồng hoa

Làng hoa Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là nơi cung cấp lượng hoa layơn cho thị trường tết lớn nhất nước. Nhưng ít người biết rằng, vùng đất chỉ cách TP Đà Lạt khoảng 20km này trước đây là một triền đồi dày đặc đá và hiện nay người dân ở làng hoa này vẫn ngày ngày khổ công vỡ đá để trồng hoa.

Chúng tôi đến làng hoa Hiệp An trong những ngày giáp Tết Tân Mão. Những vườn hoa layơn trải dài theo tuyến quốc lộ 20 đang vươn cành, chuẩn bị đến độ thu hoạch phục vụ thị trường tết. Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An Lê Thị Hà cho biết, cả xã có trên 2.700 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề trồng rau, hoa. Tùy thời điểm, người dân chọn trồng rau hay hoa nhưng vụ tết, hầu hết trồng hoa layơn. Nhờ điều kiện khí hậu phù hợp và kinh nghiệm sản xuất hoa hàng chục năm, vựa hoa Hiệp An đang chi phối thị trường hoa layơn tết của cả nước với sản lượng hàng năm khoảng 62 triệu cành.

Vẫn còn những khối đá sừng sững giữa làng hoa Hiệp An. Ảnh: NAM VIÊN

Vẫn còn những khối đá sừng sững giữa làng hoa Hiệp An. Ảnh: NAM VIÊN

Nhưng chặng đường xây dựng được làng hoa trù phú này không hề đơn giản. Trong ký ức của những người khai sơn mở đất, cách đây vài chục năm, vùng đất dưới chân núi Voi huyền thoại này là một “cao nguyên đá”. Đá lớn, đá bé, đá nổi, đá chìm. Có những tảng đá sừng sững như căn nhà, đục đẽo hàng chục năm vẫn chưa hết.

Ông Mười Hưng, một trong những người đến lập cư sớm nhất ở vùng đất Tân An nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, khi gia đình ông đến lập nghiệp, muốn tìm một chỗ đất bằng phẳng để dựng nhà cũng hết sức khó khăn. Còn hoa màu phải trồng xen giữa đá. Thế rồi, vợ chồng, con cái cùng quyết tâm ra sức dỡ đá, dọn vườn. Đá to thì đục, chẻ để làm nhà, đá nhỏ khuân chất làm bờ taluy hoặc làm đường, có những tảng nằm chìm dưới đất phải đào lên, thuê thợ chẻ nhỏ mới vận chuyển được.

Dọn đá đến đâu hoa mọc lên đến đó, ban đầu trồng ít hoa cúc, layơn và đến nay đã trở thành vườn thiên điểu rộng 6.000m², mỗi tháng thu trên 10 triệu đồng. Dẫn chúng tôi tham quan bờ taluy bằng đá dài cả trăm mét, dày 3m, cao trên 2m, ông Mười Hưng nói: “Số đá này chỉ là phần nhỏ, lượng đá mà gia đình tôi đã khai phá nhiều hơn thế cả chục lần. Vườn nhà tôi đến nay coi như tạm ổn, chứ nhiều bà con khác vẫn phải tiếp tục bỏ nhiều công sức để cải tạo vườn”. Quả vậy, cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Đức đang cần mẫn đào đất, chẻ đá.

Ông Đức cho biết, trước đây do lao động thủ công, chưa có máy móc nên chỉ dọn được số đá nhỏ, những tảng to phải đào hố chôn xuống để có đất trồng hoa. Nay có điều kiện mới thuê máy múc lên, chẻ nhỏ để làm đường và xây bờ rào. Có máy móc nhưng việc chẻ đá tại vùng này cũng không dễ dàng, nhiều thợ đá đến đây nhưng đều “chào thua”, giờ chỉ còn một người trụ lại là anh Trương Văn Thành, từ Quảng Ngãi vào. Chính vì vậy, hơn 20 năm nay, anh phải lên lịch, lần lượt đục chẻ hết vườn của nhà này đến vườn nhà khác. Theo anh Thành, nhìn lướt qua thấy vùng hoa trù phú vậy, chứ lượng đá xen giữa vườn, đá chìm dưới đất còn nhiều lắm, khai thác hàng chục năm nữa vẫn chưa hết.

Chúng tôi rời làng hoa Hiệp An vào thời điểm những chuyến xe đông lạnh của thương lái tấp nập đến đóng hoa tết chở đi các miền.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục