
Ngày 5-10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Tây, BQL Khu công nghệ đã chính thức trao giấy phép đầu tư dự án sản xuất robot công nghiệp và thiết bị điện tử cho Công ty Teikoku Tsushin Kogyo, Nhật Bản. Đây chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam làm ăn. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Phan Hữu Thắng cho biết, Cục đã có kế hoạch chủ động tiếp đón nguồn đầu tư.
- “Hiện tượng” Nhật Bản

Chọn mua xe tay ga.
“Chúng tôi sẽ đầu tư ở Việt Nam như là một điểm mới để sản xuất máy kỹ thuật số của Sanyo”. Mới đây, trong hôm khai trương nhà máy lắp ráp và sản xuất camera kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam, ông Shigeru Wada, Tổng giám đốc Sanyo Việt Nam đã tuyên bố như vậy. Nhà máy trên của Sanyo có vốn đầu tư 30 triệu USD.
Ông Shigeru Wada lý giải: “Lâu nay chúng tôi đã đầu tư nhiều nhà máy sản xuất máy quay phim và máy ảnh kỹ thuật số tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia. Nhưng từ năm 2004, do những biến động thị trường, tập đoàn Sanyo đã quyết định thành lập nhà máy tại Việt Nam”.
Ông Phan Hữu Thắng cho biết trong thời gian gần đây ngày càng nhiều các nhà đầu tư Nhật Bản đang làm ăn tại Trung Quốc sang Việt Nam tìm hiểu, đầu tư. Từ đầu năm đến nay, số khách là chủ tịch, phó chủ tịch tập đoàn đa quốc gia đến làm việc với Bộ KH-ĐT đã tăng 60% so với cả năm 2004, trong đó có nhiều vị khách đến từ Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu tăng vốn mở rộng sản xuất như Công ty TNHH Canon tăng đầu tư thêm 60 triệu USD xây dựng nhà máy; Honda Việt Nam đầu tư tăng 58 triệu USD; Yamaha Motor Việt Nam thì đầu tư thêm một dự án mới với 47,6 triệu USD xây dựng nhà máy tại Hà Nội; Công ty Mabuchi Motor đầu tư 39,9 triệu USD sản xuất ô tô và phụ tùng tại Đà Nẵng.
Theo ông Shigeru Wada, sự chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam của Sanyo là do Việt Nam ổn định về chính trị, lao động có tay nghề cao, ham học hỏi. Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhận định này đã phản ánh đúng tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của ta hiện nay.
Trong 9 tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đạt 4,09 tỷ USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 91% kế hoạch năm. Theo Bộ KH-ĐT, đầu tháng 11 sẽ trao giấy phép cho 2 dự án sản xuất thép không gỉ và dự án khu du lịch tổng hợp ở Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Với đà thu hút vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay, năm nay sẽ đạt một kỷ lục: lần đầu tiên khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nộp ngân sách lên tới 1 tỷ USD.
- Đến chuyện sang Nhật để tiếp thị
Với hiện tượng trên, Nhật Bản trở thành quốc gia có số vốn đã đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 4,1 tỷ USD, nhiều hơn quốc gia đứng thứ hai là Singapore gần 700 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Bích Đạt cho biết, tháng 11 tới, lãnh đạo bộ sẽ sang Nhật Bản xúc tiến đầu tư. Tại đây, phía Việt Nam sẽ trực tiếp gặp gỡ các nhà quản lý và các chủ tịch tập đoàn của Nhật Bản để giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài và mời họ đầu tư vào Việt Nam. “Ta sẽ kêu gọi các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn và phát triển hạ tầng”, ông Phan Hữu Thắng nói.
Cũng trong tháng 11, bên lề cuộc triển lãm sản phẩm, hội thảo đầu tư ở Hà Nội (Forinvest 2005) với 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia này, đại diện Chính phủ, Bộ KH-ĐT sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với đại diện các tập đoàn đa quốc gia. Lần đầu tiên danh mục các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 cũng sẽ được công bố trong “Ngày hội của các nhà đầu tư nước ngoài”. Ông Phan Văn Thắng cho biết thêm, động thái rất đáng mừng là Cơ quan xúc tiến đầu tư Nhật Bản đã tổ chức kêu gọi nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc, ASEAN đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản tích cực vận động doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Với những động thái ấy, nhiều chuyên gia dự báo sắp tới sẽ có một làn sóng đầu tư từ Nhật vào Việt Nam.
NAM QUỐC