Vốn - khốn đốn cho doanh nghiệp nhỏ

Vốn - khốn đốn cho doanh nghiệp nhỏ

Việt Nam có đến 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo báo cáo của các ngân hàng, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn, yếu công nghệ… Các doanh nghiệp trong nước đứng trước thời kỳ hội nhập quốc tế, liệu có cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp “ngoại” thương hiệu mạnh, vốn lớn, giá vay rẻ…?!

Muốn vay, chứng minh khó!

Vì doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm số đông nên đóng góp của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ lên đến 40% - 50% GDP của cả nước. Thế nhưng, trong thời kỳ “đóng cửa bảo nhau” thì dễ, nay đất nước mở cửa hội nhập, các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu quản lý theo kiểu gia đình, công nghệ lạc hậu, sử dụng máy móc cũ 20 năm về trước… khó có thể cạnh tranh nổi. Chỉ tính riêng về giải pháp tìm nguồn vốn thì nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ dùng tài sản cố định để vay vốn ngân hàng thì không đáng giá bao nhiêu để thế chấp. Còn sổ sách kế toán vẫn là vấn đề nóng hiện nay, do báo cáo tài chính chưa bài bản, không đủ tin cậy nên không thể chứng minh khi vay vốn. Đó là những cái khó khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay.

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến là niềm mơ ước của doanh nghiệp vừa và nhỏ (Ảnh dây chuyền sản xuất tiên tiến tại một doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: CAO THĂNG

Theo báo cáo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện BIDV có khoảng 94.000 khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 50% khách hàng của ngân hàng và đạt 150.000 tỷ đồng, tương đương 33% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Hiện nay chỉ mới có khoảng 30% khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn, trong khi khối này chiếm 51% lao động. Đương nhiên, theo giải thích của ngân hàng thì sở dĩ việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng cũng là lý do năng lực tài chính yếu kém, trình độ quản lý thấp, công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận thông tin thị trường hạn chế. Thậm chí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, không có vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp này lại thường có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn, trong khi tỷ lệ vốn trung và dài hạn của ngân hàng còn hạn chế và việc thu hồi nợ vay kéo dài khiến các ngân hàng ngại cho vay.

Trước những khó khăn nội tại của các doanh nghiệp thì trong thời điểm hội nhập này, khó sẽ chồng khó đổ lên các doanh nghiệp nhỏ. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ khẳng định, khi Việt Nam hội nhập, tham gia vào nền kinh tế thế giới thì cái khó trước tiên của doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là vốn. Vì vốn yếu, quản lý tài chính chưa tốt nên việc huy động nguồn vốn xã hội bằng cổ phần, cổ phiếu cũng rất khó khăn. Còn nếu dựa vào vốn ngân hàng thì theo một chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp có vay được cũng không cạnh tranh nổi vì lãi suất trong nước quá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản chỉ vay với lãi suất chỉ 1% - 2%/năm, ở Việt Nam hiện nay thấp nhất cũng 7% - 8%/năm thì không thể cạnh tranh nổi.

Có tự “cứu” được mình?

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, việc hỗ trợ doanh nghiệp là vi phạm các cam kết hiệp định quốc tế, do vậy các doanh nghiệp phải tự cứu mình. Thế nhưng, việc cứu thế nào thì còn rất mông lung. TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu, của mình để xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh riêng mình. Cụ thể là phải cơ cấu, tổ chức lại hoạt động kinh doanh theo hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Không ít doanh nghiệp đề xuất nếu Nhà nước không hỗ trợ bằng tiền thì hỗ trợ bằng công nghệ, máy móc thiết bị giúp doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, Nhà nước phải tăng hiệu suất của doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách tạo hành lang để họ có thể hưởng lợi từ những bí quyết chuyển giao công nghệ, bảo vệ cho doanh nghiệp khỏi những sự di chuyển hàng hóa ồ ạt từ bên ngoài như ngăn chặn hàng kém chất lượng giá rẻ bằng bộ tiêu chuẩn sản phẩm, xây dựng rào cản kỹ thuật phi thuế quan, không cho hàng nước ngoài tràn vào… Nếu không, doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ chết ngộp. Bởi bằng chứng là rất nhiều đề nghị từ tập đoàn Samsung cần doanh nghiệp vệ tinh cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến giờ hầu như rất ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn. Do vậy, việc tự cứu mình mà không có người khơi đường, mở lối thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay.

 HÀN NI

Tin cùng chuyên mục