Vòng bầu cử rối ren

Khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là diễn ra vòng bầu cử Tổng thống Mỹ, dư luận đang tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với đợt bầu cử lần này?
Vòng bầu cử rối ren

Khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là diễn ra vòng bầu cử Tổng thống Mỹ, dư luận đang tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với đợt bầu cử lần này?

Vòng bầu cử rối ren ảnh 1

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận lần 2. Ảnh: CNN

Hai hôm trước, kết thúc phiên tranh luận lần thứ hai được giới truyền thông trong nước lẫn quốc tế miêu tả là “bẩn thỉu”, ưu thế đang nghiêng về ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Trong 90 phút, thay vì đưa ra những quan điểm thuyết phục sâu hơn về các chính sách trong tương lai đối với nước Mỹ, cả hai ứng viên cùng ăn miếng trả miếng với những phát biểu nhằm hạ uy tín đối thủ và chỉ có một ít trao đổi về các chính sách đối nội, đối ngoại như vấn đề đạo luật chăm sóc y tế phổ thông (Obamacare), quan điểm về cuộc chiến ở Syria, chính sách thuế... Càng về sau, sân khấu tranh luận dần dần tràn ngập bầu không khí buộc tội lẫn nhau giữa hai ứng viên. Báo giới Mỹ đều có chung nhận định, lịch sử các buổi tranh luận giữa ứng viên tổng thống Mỹ chưa từng chứng kiến những pha công kích tới tấp như ông Trump mang lại.

Chưa có vòng bầu cử nào mà vị trí các ứng viên trong đảng Cộng hòa lại gây tranh cãi và gây chia rẽ nhiều như hiện nay. Ông Donald Trump, người bị các thành viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa chối bỏ vẫn đủ sức đánh bại những đối thủ sừng sỏ khác và định hình lại đảng Cộng hòa với hình ảnh của riêng mình. Nhưng hiện giờ, khi ông Trump tiến gần hơn vòng bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống Mỹ thì vẫn không ai rõ tầm nhìn của đảng Cộng hòa về tương lai của nước Mỹ như thế nào, hay đảng này có bộ quy tắc chung gì để đưa đảng tiến về phía trước. Hàng loạt bê bối của ông Trump được phanh phui trước vòng tranh luận thứ hai cũng không thể thay đổi được những phản ứng đang sôi sục trong đảng vì chưa từng có tiền lệ một đảng lớn thay thế người được đề cử trong giai đoạn tranh cử cuối cùng này. Lo sợ lớn nhất của nhiều ứng viên đảng Cộng hòa đang chạy đua vào quốc hội là chiến dịch tranh cử gây tranh cãi của Trump có thể dẫn đến sự sụp đổ trong số lượng cử tri Cộng hòa.

Vòng bầu cử này còn có thêm một điều chưa có tiền lệ. Chưa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào mà hai ứng viên chính đều cao tuổi như năm nay, bà Clinton 68 tuổi, ông Trump 70 tuổi. Bà Clinton đã trở thành sự lựa chọn an toàn cho đảng Dân chủ vì kinh nghiệm chính trường dày dặn nhưng sức khỏe của ứng viên này cũng đang gây nghi ngại. Sự xuất hiện đầy tự tin trong hai phiên tranh luận và hoạt động tích cực vận động tranh cử đã tạm thời xua tan những câu hỏi liệu bà có đủ sức khỏe để lèo lái nước Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc điều tra gần đây cho thấy bà Clinton lại là ứng cử viên ít được ưa thích nhất trong số các ứng cử viên đảng Dân chủ trong nhiều năm qua. Bản thân bà Clinton thừa nhận bà không có được sức thu hút như chồng bà, ông Bill Clinton, hay của ông Obama.

Vẫn còn phiên tranh luận cuối cùng vào ngày 19-10 và liệu cục diện bầu cử Mỹ có thay đổi? Giới phân tích cho rằng, sự chán ngán của các cử tri đảng Cộng hòa đang trở thành lợi thế cho bà Clinton, nhưng cử tri Mỹ đang chờ đợi bà chứng tỏ được những điểm tích cực nếu trở thành Tổng thống, thay vì tập trung đưa ra những cảnh báo tiêu cực về ông Trump như hiện nay. Thông điệp chính của bà Clinton đến thời điểm này mới chỉ là “mọi người hãy đứng lên và ngăn Donald Trump thành Tổng thống”, thay vì “hãy đứng lên đưa Hillary Clinton thành Tổng thống”.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục